"Thời sinh viên, lúc gần kết thúc năm ba đại học, một người bạn học cùng chuyên ngành (khác lớp) với tôi bỗng dưng xin nghỉ học ngang. Sau đó, bạn làm hồ sơ qua Nhật. Lúc ấy, tôi nghĩ trong bụng thấy nuối tiếc thay cho bạn vì "công cốc ba năm ăn học, trong khi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp rồi, sao không lấy bằng xong rồi đi đâu thì đi?".
Ấy thế mà bẵng đi hơn 10 năm, tới giờ bạn đã có cuộc sống như mơ ở Nhật Bản. Nhờ thông thạo tiếng Nhật và tiếng Anh, nên bạn được nhận vào làm cho một công ty nước ngoài, lương thưởng cao vời vợi. Trong khi đó, tôi học hết bốn năm và ra trường đi làm hì hục mà đến nay lương tháng vẫn chưa nổi 20 triệu đồng, nhà cửa chưa có, vẫn đang đi ở thuê. Thế mới thấy, cuộc sống cũng cần sự bứt phá đúng thời điểm".
Đó là chia sẻ của độc giả Thumy xung quanh cuộc tranh cãi "đại học có phải đường duy nhất để vào đời?". Khảo sát của VnExpress với gần 1.000 độc giả với câu hỏi "Theo bạn việc học đại học ngày nay có cần thiết không?", 50% nói phải tùy vào ngành nghề có yêu cầu bằng cấp hay không, 36% nói rất cần thiết và chỉ 14% nói không, cho thấy nhiều người vẫn coi trọng bằng cấp.
Trong khi đó, Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM năm 2019 ghi nhận khoảng 60% sinh viên chọn sai ngành học, 75% thiếu hiểu biết về ngành nghề đã chọn. Nghiên cứu về người trẻ ở Việt Nam của Hội đồng Anh thực hiện tháng 8/2020 cho thấy có đến 18% người được hỏi nói chọn ngành học vì gia đình, bạn bè thích hoặc giáo viên tư vấn.
Ủng hộ quan điểm không cần cố vào đại học bằng mọi giá, bạn đọc Akai bình luận: "Có hai kiểu học khiến người ta phải hối tiếc. Thứ nhất là học đại học nhưng ra trường đi làm việc tay chân, biết vậy đừng học. Còn kiểu thứ hai là làm việc cần đến kiến thức chuyên môn nhưng tiếc vì không học hành đến nơi đến chốn. Theo tôi, mỗi người chỉ nên học xong cấp ba rồi quyết định hướng đi riêng của mình, không cần phải vào đại đại. Giờ chuyện học hành dễ dàng hơn nhiều, nếu cần, trên 30 tuổi bạn vẫn có thể học và lấy bằng bình thường.
Nếu nói đại học là con đường ngắn nhất để thành công thì sao Bill Gates, Steve Jobs lại bỏ học giữa chừng? Theo tôi, đại học chỉ là con đường thông dụng nhất để trở thành nhân viên giỏi thôi, chứ nó không đảm bảo cho bạn trở thành ông chủ".
>> 'Sống sót sau cuộc sa thải hàng loạt nhờ có bằng cấp'
Trong khi đó, phản biện lại quan điểm trên, độc giả Võ Ngọc Nhơn phân tích: "Đại học không phải là con đường duy nhất, nhưng là con đường thuận lợi nhất để dẫn tới thành công. Tôi chẳng thấy người thành đạt nào khuyến khích việc con mình bỏ học đại học cả. Nhiều người sẽ bảo ở đại học chỉ học lý thuyết, nhưng dù có là vậy đi nữa thì đó là nơi tổng hợp tri thức, cung cấp nền tảng tư duy cho mỗi người. Nếu bạn nói chuyện với đại đa số người học đại học trở lên, phần nhiều sẽ thấy rằng, cách suy nghĩ, tư duy của họ khác hẳn với những người không được học hành nhiều.
Để thành công còn cần kèm cả may mắn nữa, nhưng may mắn chỉ đến với những người có sự chuẩn bị kỹ càng mà thôi. Mà tấm bằng đại học chính là một trong số đó. Nhà tuyển dụng luôn yêu cầu ứng viên có bằng đại học, không phải vì họ coi bằng cấp là tất cả, mà nó là sự bảo chứng rằng ứng viên đã được đào tạo qua những hệ thống kiến thức đạt chuẩn ở bậc đại học. Và từ đó, họ có thể sàng lọc các bước tiếp theo.
Là một người làm công tác nhân sự và quản lý lâu năm, tôi không tin chuyện không học hành đàng hoàng mà có thể làm việc hiệu quả, hay tiếp thu nhanh được như những người có học. Số ngược lại cực kỳ ít, không đáng để lấy ra làm mẫu số chung".
Đồng quan điểm, bạn đọc Duy nhấn mạnh giá trị của tấm bằng đại học: "Chỉ những ai ra có ước mơ và kế hoạch sẵn thì mới nên nghỉ học sau khi kết thúc cấp ba. Hoặc những ai học đại học rồi ra làm trái ngành mới thấy tiếc vì mất mấy năm học vô nghĩa. Chứ phần đông đều thấy giá trị của bằng đại học.
Với những học sinh sau khi rời ghế nhà trường phổ thông mà chẳng có gì trong tay, đòi đi học nghề này, nghề nọ, nhỡ không thành công thì sao? Tới lúc nghĩ rằng mình cần một tấm bằng đại học thì đã quá muộn, vì kiến thức cấp ba đã bay khỏi đầu hết rồi, làm sao thi vào đại học được? Xã hội vẫn cần bằng cấp nên tốt nhất cứ học đại học để vừa có nghề, vừa có bằng, rồi chuyện sau này thành công với nghề gì thì hãy để thời gian trả lời".
Không cổ xúy bỏ đại học, nhưng độc giả Hanpham lại có cái nhìn cởi mở hơn: "Nhiều người đưa ra lý do Bill Gates hay Steve Jobs bỏ học vẫn thành công mà không hiểu rằng họ quá giỏi và kiến thức ở trong trường đại học không đủ để dạy họ nên mới nghỉ.
Tôi không cổ xúy việc bỏ học, nhưng nếu con cái muốn theo đuổi học nghề thì cha mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến của con. Con đường học đại học không phải duy nhất để thành công. Đi học cũng là để kiếm cái nghề, kiếm cơm, nên nếu làm việc vì đam mê thì con mới hạnh phúc.
Nhiều cha mẹ cứ lấy lý do nhà gia giáo, học hành đến nơi đến chốn, rồi bắt con cũng phải đi học đại học để không bị cười chê. Vậy chẳng phải đặt hạnh phúc của con dưới cái nhìn của hàng xóm rồi sao?".
- 'Học lực 5 điểm vẫn cố vào đại học'
- Có nhà, có xe sau 8 năm tốt nghiệp đại học
- Tôi nhận ra giá trị bằng đại học tại Việt Nam sau khi đi du học
- Khi cử nhân đại học kéo nhau xuống đường làm shipper, xe ôm công nghệ
- Đại học phải chịu trách nhiệm khi sinh viên 'mới tốt nghiệp đã thất nghiệp'
- Học trường nghề vẫn làm sếp của Thạc sĩ, kỹ sư