Lãnh đạo nhóm các nước phát triển (G7) tháng này thông qua sáng kiến "Tái Xây dựng Thế giới Tốt hơn" (B3W) do Mỹ dẫn dầu, sau một hội nghị thượng đỉnh hướng đến giải quyết vấn đề "cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, cam kết thực hiện những hành động cụ thể để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng to lớn tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình", theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Nhà Trắng cho biết B3W sẽ có quy mô toàn cầu, với ước tính các nước đang phát triển cần hơn 40 nghìn tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề vốn trở nên nan giải hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
"B3W sẽ giúp thúc đẩy đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình trong những năm tới", tuyên bố có đoạn, thêm rằng dự án sẽ chú trọng tới môi trường và khí hậu, các biện pháp bảo vệ người lao động, tính minh bạch và chống tham nhũng.
Các yếu tố này dường như thể hiện sự đối lập với những lo ngại về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Được triển khai từ năm 2013, BRI là dự án phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Bắc Kinh, trải dài từ châu Á sang châu Âu và xa hơn nữa, với hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng hệ thống đường sắt, cảng, cao tốc và công trình khác. Theo cơ sở dữ liệu Refinitiv, đã có 2.600 dự án BRI trị giá 3,7 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, giới phê bình nghi ngờ Trung Quốc sử dụng sáng kiến này để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Những bên nhận các khoản vay nhiều tỷ USD từ Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng theo BRI có thể khó trả nợ, hoặc phải chấp nhận những dự án không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về tính bền vững và quyền lợi cho người lao động.
"B3W rõ ràng được thiết lập để thách thức BRI của Trung Quốc, vốn bị cáo buộc là 'ngoại giao bẫy nợ'", Purnendra Jain, giáo sư về Nghiên cứu châu Á tại Đại học Adelaide, Australia, nói với VnExpress. Ông nhắc đến chỉ trích của các nước phương Tây rằng Trung Quốc "trói buộc" các nước nghèo và các nước đang phát triển bằng những khoản vay mà đối phương không có khả năng hoàn trả để từ đó thúc đẩy ảnh hưởng chính trị.
Tại Sri Lanka, nhiều tranh cãi đã nổi lên xoay quanh cảng Hambantota, dự án nằm trong BRI. Chính quyền Sri Lanka năm 2017 cấp hợp đồng thuê cảng Hambantota trong 99 năm cho một công ty Trung Quốc do không có khả năng trả các khoản vay từ Bắc Kinh cho dự án 1,4 tỷ USD. Hợp đồng này bị chỉ trích là gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Sri Lanka.
Do đó, cùng với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu trong những năm tới, bất kỳ dự án nào được xây dựng một cách nghiêm túc để thay thế BRI đều có khả năng được hoan nghênh nồng nhiệt. Kế hoạch của G7 dường như đầy hứa hẹn, lại đến đúng lúc Covid-19 làm chậm tiến độ các dự án của BRI. Tuy nhiên, Jain nhấn mạnh còn cần theo dõi thêm vì "chương trình nghị sự của G7 chưa rõ ràng, chưa có kế hoạch hành động ở giai đoạn này".
Ông đánh giá rằng trong một số lĩnh vực, Nhật Bản có thể là nguồn lực quan trọng thực hiện B3W nhưng họ cần lập kế hoạch phối hợp với các quốc gia G7 và các nước khác, vì những nỗ lực trước đây không mang lại kết quả đáng kể.
Năm 2016, Kế hoạch Hành lang Tăng trưởng Á - Phi với sự tham gia của Ấn Độ và Nhật Bản từng thu hút nhiều sự chú ý vì nó giống như một giải pháp thay thế BRI, tuy nhiên kế hoạch này chưa đạt được thành quả đáng chú ý nào. Một ví dụ khác là dự án Đối tác Ba bên Australia, Nhật Bản và Mỹ về Đầu tư Cơ sở Hạ tầng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, được công bố vào năm 2018, cũng chưa đạt được hiệu quả.
"Đây là dự án mới được đưa ra nên rất khó để nói liệu B3W có vượt qua BRI hay không. Cả hai đều có lợi thế. Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ BRI và vào năm 2017 và nó được đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, B3W được dẫn dắt bởi các lực lượng thị trường và các doanh nghiệp lớn sẽ chỉ đầu tư khi một dự án khả thi về mặt thương mại, đảm bảo lợi nhuận kinh tế hoặc lợi ích khác. Nhưng B3W cũng có thể gặp chướng ngại là sự khác biệt chính trị giữa G-7 hoặc các thành viên mở rộng trong tương lai, hoặc trong nội bộ chính trường Mỹ", Srikanth Kondapalli, giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ, bình luận.
Sau tuyên bố của G7, Ấn Độ thể hiện rằng họ có thể gia nhập B3W. Ông Kondapalli đánh giá Ấn Độ "coi B3W là cơ hội" do sự khác biệt giữa Ấn - Trung, căng thẳng ở biên giới trong một năm qua và việc Ấn Độ phản đối BRI vì cáo buộc dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan thuộc sáng kiến này vi phạm chủ quyền của họ ở Kashmir (đối tượng tranh chấp giữa ba nước). Ấn Độ cũng là bên tài trợ lớn cho Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển Mới BRICS, cho thấy rằng họ sẵn sàng mở cửa để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng có xu hướng tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân mà không vướng vào tranh cãi về kiểm soát chính trị hoặc mở rộng an ninh.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar nói rằng nước này hoan nghênh B3W nhưng nhấn mạnh họ cần thấy những cam kết thực chất. Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Karl Chua cho biết Manila cởi mở thu hút nhiều đối tác có kinh nghiệm xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá các quốc gia Đông Nam Á lo ngại họ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và điều đó tạo ra cơ hội tiềm năng cho B3W. Tuy nhiên, bản chất đa phương của B3W sẽ khiến nó trở thành một sáng kiến phức tạp hơn và có khả năng tiến triển chậm chạp hơn so với BRI.
"Các quốc gia Đông Nam Á đã chấp nhận các dự án BRI, họ thường làm vậy vì các thỏa thuận đó được thiết lập dễ dàng chứ không phải vì lý do ý thức hệ hay địa chính trị", Choi nói.
"Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á chấp nhận viện trợ và các dự án từ Trung Quốc cũng chấp nhận từ Nhật Bản, như Campuchia, Lào và Myanmar. Hầu hết quốc gia Đông Nam Á muốn cân bằng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và họ muốn làm việc với cả hai", Jain nói. "Nếu B3W đưa ra những dự án hấp dẫn, các quốc gia Đông Nam Á sẽ rất sẵn lòng chấp nhận những dự án không nhất thiết được coi là nhằm đẩy Trung Quốc đi".
Trong khi đó, giáo sư David Schultz, Khoa Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Hamline, Mỹ, có cái nhìn bi quan hơn về B3W. "Có vẻ như B3W không phải là thứ mà phương Tây có thể thuyết phục nhiều quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia khác ủng hộ như một giải pháp thay thế cho BRI", ông nói.
Ông nêu 4 lý do: Trung Quốc dành nhiều tiền hơn cho sáng kiến của mình so với phương Tây. Trung Quốc đã đi trước rất xa khi triển khai BRI trong 8 năm. Bắc Kinh coi BRI là trung tâm chính sách đối ngoại, trong khi phương Tây coi B3W là chính sách cấp hai hoặc cấp ba. Trung Quốc lợi thế về mặt vị trí địa lý và đang phát triển BRI với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn.
"Nhìn chung, Trung Quốc có nhiều lợi thế với BRI. Điều duy nhất có thể chặn đường họ là nếu nền kinh tế Trung Quốc không thể gồng gánh được sáng kiến trong thời gian dài, nhưng canh bạc của Trung Quốc là sử dụng BRI để buộc các quốc gia khác phụ thuộc nhiều hơn vào họ", Schultz đánh giá.
Trong khi đó, Kondapalli chỉ ra rằng nhiều nước trong ASEAN đã tham gia BRI vì những lời hứa hẹn họ đưa ra đối với các dự án cơ sở hạ tầng nhưng trong ASEAN đã có những lời "xì xào" về các dự án BRI. Malaysia đã phàn nàn về dự án đường sắt và đã thực hiện một số sửa đổi với Trung Quốc về dự án. Dự án đường sắt cao tốc Indonesia cũng vấp phải một số phản đối. Các dự án Mekong đã vấp phải lo ngại về tác động môi trường của các đập thủy điện BRI. Myanmar đã đình chỉ xây dựng đập Mytsone vì lý do môi trường. Các dự án Mindano ở Philippines vẫn chưa hoàn thành.
"Trong bối cảnh đó và khi đề xuất Bộ tứ mở rộng (Quad Plus) đang được Mỹ và một số nước Đông Nam Á nghiên cứu, ý tưởng B3W sẽ hấp dẫn đối với Đông Nam Á trong những năm tới. B3W hứa hẹn về cơ sở hạ tầng chất lượng, tính minh bạch và các nguyên tắc pháp trị quốc tế. Các thành viên ASEAN liên quan sẽ lựa chọn tùy thuộc vào yếu tố nào hấp dẫn với họ", Kondapalli nói.
Việc Malaysia tháng này chọn Ericsson thay vì Huawei để xây dựng mạng lưới 5G cho thấy rằng còn có những vấn đề lớn hơn về chính trị, thông tin hoặc tài chính mà các thành viên ASEAN cần xem xét. Mặt khác, Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, một phần của BRI, có thể tạo ra căng thẳng giữa các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, Kondapalli đánh giá thêm.
Bilahari Kausikan, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc và Nga, nhận định cạnh tranh giữa BRI và B3W có thể dẫn đến các giao dịch tốt hơn cho các nước Đông Nam Á.
"Các quốc gia có nhu cầu về cơ sở hạ tầng không ngốc nghếch đến mức loại trừ bất kỳ nguồn tài chính nào, họ sẽ tìm kiếm giao dịch tốt nhất. Nếu các điều khoản phù hợp, tôi thấy không có lý do gì một quốc gia không nên làm việc với cả BRI và B3W cũng như các tổ chức khác như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới hoặc làm việc song phương với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc. Các lựa chọn không loại trừ lẫn nhau", ông Kausikan nói.
"Nhu cầu cơ sở hạ tầng ở châu Á và trên toàn thế giới là rất lớn và vượt quá khả năng đáp ứng của bất kỳ tổ chức, quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào. Vì vậy càng nhiều người chơi càng tốt. Tất cả đều được hoan nghênh", cựu đại sứ nói thêm.
Phương Vũ