Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin hồi tháng 5 đã thống nhất tăng cường hợp tác song phương trong một buổi lễ trực tuyến khởi động xây dựng 4 lò phản ứng mới trong một dự án hạt nhân chung giữa Nga và Trung Quốc. Các quan chức hai nước cũng cho biết họ sẽ cùng thảo luận về việc xử lý những vấn đề liên quan đến Mỹ.
Tuy nhiên, Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho hay các tuyên bố từ G7 và NATO khó giúp Moskva và Bắc Kinh xích lại gần hơn nữa bởi họ đã "đủ gần". Mặt khác, Trung Quốc còn đang chờ xem liệu sau những lời lên án sẽ có hành động nào từ phương Tây hay không.
"Nếu có, điều đó sẽ khuyến khích Bắc Kinh đề nghị Nga hợp tác chặt chẽ hơn. Nhưng vẫn phải chờ xem Nga đáp lại lời đề nghị như vậy thế nào", Lukin bình luận. "Nếu phương Tây có các bước đi thực chất nhằm cải thiện quan hệ với Nga, Moskva có lẽ sẽ trở nên dè dặt hơn trong việc tăng cường quan hệ chiến lược với Bắc Kinh".
Theo Lukin, hội nghị thượng đỉnh ở Geneva sẽ không thể giải quyết căng thẳng giữa Nga và Mỹ nhưng nó có thể hữu ích trong việc giảm nhẹ thế thù địch giữa hai quốc gia mà quan hệ "đang ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1980 đến nay".
"Ví dụ, họ có thể đồng ý chấm dứt một cuộc chiến ngoại giao mà những năm gần đây đã chứng kiến các nhà ngoại giao Mỹ và Nga bị trục xuất, các cơ quan lãnh sự bị đóng cửa và việc cấp thị thực bị đình chỉ", ông nói. "Nếu ở Geneva họ giải quyết được những vấn đề nhỏ, điều đó là dấu hiệu cho thấy họ hoàn toàn đủ khả năng giải quyết các vấn đề lớn hơn trong tương lai".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)