"Mới vận hành nên người ta háo hức đến check-in thôi", "giờ miễn phí vé nên chen chúc nhau đi trải nghiệm chứ sau này bán vé chắc lại thưa thớt"... Tôi nghe đâu đó những bình luận như vậy sau khi tuyến metro đầu tiên của TP HCM chính thức đi vào hoạt động.
Thực ra, tôi không quá bất ngờ với những ý kiến như vậy bởi nó cũng từng xảy ra với tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội (tuyến Cát Linh - Hà Đông) cách đây vài năm. Khi ấy, người ta cũng bàn ra, tán vào về tương lai của phương tiện này, cho rằng "nó chỉ 'hot' thời gian đầu, người ta đi một lần cho biết chứ bảo đi lâu dài thì có lẽ còn lâu". Thế nhưng, sau ba năm, giờ có lẽ chuyện ngồi tàu điện đi làm, đi học chẳng còn quá xa lạ với người dân thủ đô.
Hàng ngày đi làm qua khu vực ga Láng của tuyến đường sắt này, tôi vẫn thấy đủ hành khách từ mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp lên xuống tàu. Đó có thể là mấy bạn học sinh, sinh viên đi học; là mấy anh, chị nhân viên văn phòng đi làm; và có cả những ông già, bà cả chống gậy đi từng bước tập tễnh... Có thể thấy, tàu điện trên cao đã trở thành một phần trong nhịp sống của người dân Hà Nội. Nó vẫn "sống" tốt bất chấp những hoài nghi của một bộ phận dân chúng.
Tất nhiên, sau ngần ấy năm đi vào hoạt động, nói về tính kết nối của loại hình phương tiện công cộng này vẫn gần như không có quá nhiều thay đổi, ngoài việc người ta có bố trí thêm hệ thống xe đạp điện công cộng và điểu chỉnh đôi chút về hệ thống xe buýt.
>> 'Xe máy tiện lợi mấy cũng phải bỏ để phát triển Metro'
Thực tế, tuyến đường sắt này vẫn chủ yếu phục vụ những người có nhu cầu đi lại, học tập, làm việc trên cung đường tàu chạy qua là chính. Tuyến tàu vẫn chưa được nối dài thêm hay có phương tiện giao thông công cộng khác để kết nối, mở rộng. Hành khách đi tàu chắc chắn vẫn phải đi bộ thêm một quãng đường khá dài để tới được điểm đến cuối. Nhưng những bất tiện ấy không thể khiến người ta chùn bước, từ bỏ tàu điện.
Tôi có mấy người bạn nhà ở Hà Đông, nhưng làm việc ở tận trung tâm quận Hoàn Kiếm. Nhưng từ lúc có đường sắt trên cao, họ đã bỏ hẳn xe máy, đi tàu đến ga Cát Linh rồi bắt xe buýt đến chỗ làm. Tổng thời gian di chuyển của họ có thể chỉ ngang bằng, hoặc thậm chí là chậm hơn đi xe máy, nhưng mỗi khi nói chuyện, tôi thấy họ vẫn hào hứng với tàu điện.
Theo họ, đi làm bằng phương tiện công cộng giúp họ thảnh thơi hơn, không phải chen chúc lái xe trên đường, ngày nào cũng hít khói bụi, chịu cảnh tắc đường. Thế nên, sức khỏe của họ mấy năm qua cải thiện rõ rệt. Đi bộ cũng là cách để họ rèn luyện, tập thể dục thay vì tối nào cũng phải ra công viên chạy bộ.
Trở lại với câu chuyện metro Bến Thành - Suối Tiên. Đúng là tuyến đường sắt chỉ dài 19,7 km chắc chắn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong việc đi lại. Khó có thể mong người ta sẽ bỏ xe cá nhân ngay để đi tàu đi học, đi làm mỗi ngày. Nhưng tôi tin cái gì cũng sẽ có khó khăn lúc ban đầu, rồi dần dần những chuyển biến tích cực sẽ đến.
Chứng kiến cảnh người Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận chen chân đi thử tuyến metro đầu tiên của TP HCM, tôi nghĩ đó không chỉ là sự háo hức nhất thời, mà còn là niềm tin sau hàng chục năm chờ đợi. Có thể một thời gian nữa, những toa tàu metro sẽ không còn cảnh chật kín khách như hôm nay nữa, nhưng vẫn sẽ còn nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để đi tàu, và tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng vào một ngày không xa phương tiện cá nhân sẽ nhường chỗ cho giao thông công cộng phủ khắp thành phố.
Trải nghiệm của bạn về Metro đầu tiên ở TP HCM thế nào? Chia sẻ hình ảnh, video của bạn tại đây.
- Lời - lỗ Metro
- 'Metro số 1 lạc hậu từ khi chưa vận hành'
- Tàu Metro số 1 - 'xấu chưa chắc đã dở'
- Thiết kế tàu Metro số 1 gây tranh cãi
- 'Tàu Cát Linh - Hà Đông đem lại lợi ích ngoài doanh thu'
- Tốn tiền vẫn lựa chọn đi làm bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông