(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ở nhiều nơi trên thế giới, xe buýt nội đô không phải là loại hình kinh doanh có lãi dù có đông khách hay không. Vì sao? Vì giá vé xe buýt không tính trên chi phí hoạt động mà tính trên thu nhập trung bình của người dân. Khoản tiền thu được từ bán vé dùng để trả lương cho lái xe, tiếp viên và lợi nhuận của người đầu tư xe buýt.
Các khoản chi phí "cứng" như xăng dầu, vỏ ruột xe, bảo dưỡng bảo trì, bãi đậu xe phần lớn do nhà nước gánh. Nếu đem toàn bộ chi phí hoạt động của xe buýt phân bổ vào giá vé thì cũng xấp xỉ một cuốc xe ôm với cự ly vận chuyển tương đương.
Người ta đã bãi bỏ chế độ trợ giá từ lâu và thay vào đó là phân chia phần nào nhà nước gánh, phần nào tư nhân chịu. Tiền bán vé quyết định thu nhập của nhân viên, lái xe và chủ xe thì họ phải có thái độ thế nào với khách đi xe.
>> 'Xe buýt như đứa con dâu bị ruồng bỏ'
Khoản chi phí nhà nước chịu lấy từ thuế. Vì thế, xe buýt nội đô được xếp vào dạng dịch vụ công ích (phúc lợi xã hội) chứ không phải dịch vụ kinh doanh duy lợi nhuận như taxi.
Đối với quản lý vĩ mô, dữ liệu mà nhà nước cần là số vé được bán ra trong quãng thời gian nào, cho đối tượng nào, đi khoảng cách bao xa, nhiều ít theo tuyến như thế nào.
Thống kê những dữ liệu đó nhà nước sẽ biết được xu hướng dịch chuyển, luồng dịch chuyển giao thông của người dân từ đó lập kế hoạch phát triển thành phố về phía nào, quy hoạch ra sao, cho đối tượng thu nhập nào, xây nhà lên bán với giá nào.....rất nhiều thông số vĩ mô được thống kê từ vé xe buýt cũng như các loại hình giao thông phúc lợi khác (như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe lửa đường dài).
>> 'Xe buýt, ôtô và xe máy không thể nào sống chung được nữa'
Để hạn chế phương tiện cá nhân, người ta có chính sách rất đáng nể, không bắt bẻ vào đâu được. Đó là hạn chế các bãi giữ xe trong nội thị. Tôi đi du lịch châu Âu thấy rất nhiều người loay hoay cả nửa tiếng mới tìm được chỗ đậu xe gần nơi mình muốn đến.
Nơi đậu xe ấy thường vạ vật trên một con đường nhỏ nào đó cách nơi đến một khoảng thời gian đi bộ ít nhất cũng 5 phút. Vì vậy, nếu không có chuyện gì gấp, người có xe hơi cũng bỏ xe hơi ở nhà ra trạm bắt buýt vì việc gửi xe ở nơi đến rất phiền phức.
Hầu như người Âu Mỹ nào cũng có xe hơi nhưng đường sá của họ cũng không nhiều xe hơi như mình. Họ chỉ sử dụng xe hơi khi đi xa thôi. Đi khoảng cách gần, họ đi xe công cộng hoặc taxi.
Thế nhưng, tại các trạm, ga trung chuyển giao thông công cộng (buýt nội thị, tàu điện ngầm, xe lửa đường dài) luôn có bãi giữ xe siêu lớn. Những bãi giữ xe này phân lô cho khách thuê bao – người ta chạy xe cá nhân đến đây, bỏ xe vào chỗ mà họ thuê bao, mua vé lên phương tiện công cộng. Bận về lấy xe ra khỏi bãi xe và chạy về nhà.
>> 'Không dẹp được kẹt xe, Sài Gòn chưa phải thành phố đáng sống'
Sở dĩ như vậy vì nơi làm việc cách nơi cư ngụ cả trăm km, ngày nào cũng lái xe đi về khoảng cách đó, sức trâu cũng gục ngã. Kẹt xe các kiểu thường diễn ra ở đây vì cùng một thời điểm có quá nhiều người đổ ra đường – phương tiện công cộng quá tải (bận đi), cầu đường quá tải (bận về).
Vì thế người ta mới phân chia giờ làm việc để đi làm và tan tầm theo từng đợt nhằm giảm thiểu nạn kẹt xe. Cái hay của họ không phải là biện pháp giải quyết mà là phương pháp tư duy.
Với bất kỳ sự việc nào, cái mà họ quan tâm là nguyên nhân, là bản chất, là động cơ rồi họ tư duy tìm giải pháp đánh vào nguyên nhân, bản chất, động cơ ấy. Còn ta thì luôn tranh luận lòng vòng ở chỗ "tôi thấy" không quan tâm tìm hiểu nguyên nhân. Chúng ta học đại học, người nào cũng trải qua không ít tiết học duy vật biện chứng nhưng hầu hết chúng ta chỉ có "duy vật" mà thiếu "biện chứng".
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm