Đọc bài viết "Karaoke 'tra tấn' đeo bám tôi từ nhà mặt đất lên chung cư", cũng một số bình luận phản biện theo kiểu "người ta hát karaoke, mở nhạc trước 22h thì làm gì sai mà đòi xử phạt" hay có người còn đổ lỗi ngược lại cho nạn nhân "muốn yên tĩnh thì ra ngoại ô mà sống"... cá nhân tôi thấy rất nực cười với những quan điểm này. Thực ra, rất nhiều người Việt có thói quen mở nhạc, hát karaoke tại nhà với âm lượng lớn với suy nghĩ rằng trước 22h thì làm gì cũng được. Đó là một sai lầm.
Theo quy định tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70 dBA (từ 6h đến 21h) - tương đương tiếng ồn của một máy hút bụi loại tốt, có chức năng giảm ồn; và 55 dBA (từ 21h đến 6h).
Như vậy, việc bạn mở nhạc, hát karaoke với âm lượng lớn vượt ngưỡng cho phép, dù là bạn ngày hay ban đêm cũng đều vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Nói cách khác, chúng ta đã có đầy đủ căn cứ pháp luật để xử lý các hành vi gây ồn trong khu dân cư, chứ không phải không. Vấn đề là nhiều người chưa hiểu luật hoặc cố tình lờ đi và vi phạm.
>> Trốn đi du lịch cũng không thoát karaoke tra tấn
Ở hướng ngược lại, các cơ quan chức năng địa phương dường như cũng chưa quyết liệt ra quân xử lý triệt để tình trạng vi phạm tiếng ồn. Một phần vì các văn bản pháp luật vẫn còn nằm rải rác, chưa tập hợp lại thành một hệ thống để có chế tài xử lý cụ thể. Ngoài ra, lực lượng xử lý tại các địa phương cũng còn rất mỏng, nên khó làm đồng bộ, làm triệt để tới cùng...
Tôi cho rằng chuyện đo tiếng ồn cũng không hề khó. Một cái điện thoại thông minh cơ bản nhất bây giờ cũng có thể tải và cài đặt được các ứng dụng đo tiếng ồn miễn phí nhan nhản trên mạng. Vậy tại sao không lấy đây làm cơ sở để kiểm tra và xử lý tại chỗ những vi phạm tiếng ồn trong các khu dân cư thay vì cứ đòi hỏi phải có thiết bị đo chuyên dụng? Thậm chí, đôi khi cũng chẳng cần dùng máy đo, mức âm thanh mà tận bên hàng xóm nghe còn thấy đau đầu, inh tai, nhức óc thì rõ ràng là vượt ngưỡng cho phép và có thể xử phạt được ngay.
Tóm lại, dẹp được nạn karaoke "tra tấn" hay không thì cần phải có sự đồng lòng từ cả hai phía: người dân tự nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật và cơ quan chức năng quyết tâm xử lý triệt để. Còn như hiện giờ, người hát bất chấp luật lệ, người quản lý thờ ơ làm ngơ, còn nạn nhân cứ cam chịu năm này qua năm khác, thì có lẽ còn lâu lắm người Việt mới có thể đón một cái Tết trong yên bình, tĩnh lặng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.