Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Ban đêm, tiếng ồn trung bình 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA. Có thể nói, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày một trở nên nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh với cư dân tại các đô thị lớn.
Cá nhân tôi sống ở Mỹ đã được hơn 40 năm. Tại đây, không có xe bán hàng rong gắn loa thùng; không có xe phát loa quảng cáo những chương trình văn nghệ. Tiếng còi xe tôi cũng rất hiếm khi nghe thấy (người Mỹ chỉ sử dụng còi để nhắc nhở xe khác trong những trường hợp thực sự cần thiết). Tiếng karaoke ở nhà lại càng không có vì người Mỹ không có sở thích hát hò lớn tiếng tại nhà, không ai mở nhạc to đến mức làm phiền hàng xóm. Các quán bar, vũ trường cũng được thiết kế nghiêm ngặt để không làm lọt âm thân, ảnh hưởng đến người khác, vì Mỹ quy hoạch khu dân cư tách biệt với khu thương mại.
Trong khi đó, ở Việt Nam lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi chính xác là bị "khủng bố" bởi đủ thứ tiếng ồn. Trong chung cư thì bị tiếng hò hét, ca hát từ hàng xóm. Ra công viên tập thể dục cũng bị tra tấn bởi loa kéo của những người khiêu vũ. Đi ngoài đường thì bị tiếng còi xe và xe gắn loa quảng cáo chương trình ca, vũ, nhạc, kịch... làm phiền. Phải nói là nhiều người Việt quá ồn ào!
Chung cư nơi tôi ở, có nhiều người làm dịch vụ homestay. Cứ cuối tuần và những ngày lễ, nhiều khách đến thuê phòng thức thâu đêm, mở nhạc, ca hát, nhậu nhẹt, hò hét tới tận sáng. Nhiều đêm, tôi không thể nào ngủ được. Có lần, tôi phải báo bảo vệ và Ban quản lý tòa nhà, nhưng rồi họ chỉ nhắc nhở qua loa ngay lúc đó thôi, chứ chẳng thấy phạt ai cả.
>> Hàng xóm hát karaoke 'tra tấn' tôi suốt kỳ nghỉ lễ
Quá bức xúc, tôi cũng đã đề nghị Ban quản lý in bảng nội quy chung cư cỡ lớn và yêu cầu những người làm dịch vụ homestay phải dán bên trong cửa ra vào căn hộ của họ cho thuê, để khách thuê biết rõ là không được gây ồn ào sau 22h. Nhưng cuối cùng họ cũng chẳng làm theo vì phiền phức. Thật sự khó hiểu!
Tôi cũng là người cao tuổi, và chưa bao giờ hưởng ứng hay ủng hộ việc tụ tập, mở nhạc khiêu vũ gây ồn ào, làm phiền người xung quanh cả. Đó là phép lịch sự tối thiểu mà người dân ở một xã hội văn minh cần thực hiện. Những điều tôi nói ở trên không phải là để so sánh nước ta với nước ngoài, hay sính ngoại và chê bai người Việt. Nhưng tôi muốn nêu lên thực trạng để chúng ta biết và thay đổi.
Người Mỹ làm được thì tại sao mình không làm được? Không gây ô nhiễm tiếng ồn, làm phiền người khác, không vứt rác bừa bãi, không thả rông chó ngoài đường... là những điều cơ bản mà người Việt cần học hỏi từ các nước phát triển.
Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định cụ thể mức chế tài xử phạt đối với những hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, hầu hết cơ quan chức năng đều cho biết rất khó thực hiện bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, điển hình nhất là việc đo và phân tích âm thanh phải là đơn vị độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận. Chưa kể, mức độ ồn phải trừ đi độ ồn nền (phương tiện giao thông, tiếng nói chuyện, âm thanh của cơ sở khác) nhưng trong nhiều trường hợp, độ ồn nền cũng đã vượt mức cho phép.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.