Tôi đang trải qua những ngày tháng vô cùng mệt mỏi về cả sức khỏe lẫn tinh thần do ảnh hưởng từ tiếng ồn nhà hàng xóm. Tình hình dịch bệnh bùng phát từ trước Tết Nguyên Đán đến nay khiến nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm dừng hoạt động. Hàng quán phải đóng cửa khiến nhiều người buộc phải ở nhà nhiều hơn.
Và để giải khuây lúc rảnh rỗi, hàng xóm của tôi chọn cách hát karaoke từ sáng tới tối, ngày qua ngày. Dù họ không hát khuya (sau 22h tối), nhưng tiếng ồn kéo dài cả ngày cũng đủ khiến gia đình tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi liên tục bị mất tập trung, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, tinh thần căng thẳng, dễ nổi cáu, trong đầu lúc nào cũng văng vẳng tiếng hát karaoke... Đôi khi tôi bị ù tai, cảm giác mất thính giác trong một khoảng thời gian.
Không thể chịu đựng thêm sau nhiều lần góp ý với hàng xóm, tôi buộc lòng phải gọi điện nhờ cán bộ phường giải quyết. Thế nhưng, đáp lại tất cả, họ chỉ có thể yêu cầu người đó ký cam kết chứ không thể xử phạt do quy định pháp lý chưa rõ ràng, và cũng chẳng có công cụ đo tiếng ồn để làm căn cứ xử lý. Và rồi, như ai cũng biết, tác dụng của biện pháp này chỉ kéo dài đôi ba ngày, rồi đâu lại vào đấy.
Theo Nghị định 167/2013, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng. Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định phạt từ 1-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn.
Quy định pháp lý là vậy, nhưng thực tế, việc xử phạt các trường hợp hát karaoke gây ồn ào trong các khu dân cư là gần như bất khả thi. Nguyên do chỉ xoay quanh một câu hỏi duy nhất: thế nào là ồn? Các cơ quan chức năng địa phương rất khó xử phạt hành vi gây tiếng ồn tại gia bởi không có đủ công cụ kỹ thuật đo tiếng ồn, nên không thể xác định được chính xác mức độ tiếng ồn là bao nhiêu dBA để làm căn cứ xử phạt. Kết quả, việc xử lý bao năm qua vẫn chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, viết cam kết, rồi đâu lại vào đấy.
>> Cả nể hàng xóm hát karaoke gây ồn đến khi nào?
Vậy đến bao giờ các địa phương mới được trang bị đủ phương tiện kỹ thuật đo tiếng ồn? Từ giờ đến lúc ấy, không lẽ người dân vẫn phải chấp nhận "sống chung với lũ", cắn răng chịu đựng tiếng karaoke tra tấn mỗi ngày? Theo tôi là không, đã đến lúc chúng ta cần có những biện pháp tức thời, nhằm ngăn chặn vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn đang lên đến mức báo động này.
Thay vì "bó tay" với hành vi gây ồn, nếu chưa xác định được chính xác mức độ tiếng ồn bằng thiết bị chuyên dụng, cơ quan chức năng địa phương hoàn toàn có thể căn cứ vào trình báo của người bị ảnh hưởng và kiểm tra trực quan của người có chức trách để xử phạt.
Thực tế, chẳng ai lại đi trình báo hàng xóm ồn ào sai sự thật cả. Tôi nghĩ vấn đề này không hề khó, bất cứ ai đi qua những gia đình hát karaoke trong nhà đều có thể cảm nhận được mức độ, cường độ âm thanh phát ra lớn thế nào, có nằm trong ngưỡng chịu đựng được hay không? Chỉ cần có sự có mặt làm chứng của tổ trưởng dân phố, người dân xung quanh, tôi tin hoàn toàn có đủ căn cứ để xử phạt.
Xét cho cùng, sự chậm trễ vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn nạn hát karaoke trong các khu dân cư, cho thấy sự thiếu quyết tâm, chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc dẹp bỏ ô nhiễm tiếng ồn. Cứ nhìn một số nước trên thế giới là thấy rõ sự khác biệt. Ở một số quốc gia, chỉ cần thông qua trình báo của người dân, cảnh sát khu vực sẽ lập tức có mặt và kiểm tra, và xử phạt ngay hành vi gây tiếng ồn lớn, mà chẳng cần thủ tục rườm ra, phiền phức. Đó là lý do họ gần như rất ít khi phải bận tâm đến chuyện hàng xóm hát karaoke gây ông như ở ta.
Bất cứ ai từng là nạn nhân của tiếng ồn nhà hàng xóm chắc chắn đều hiểu chúng đáng sợ và ám ảnh đến mức nào? Thực tế, rất nhiều vụ việc đáng tiếc, thậm chí án mạng đã xảy ra liên quan đến vấn nạn nhức nhối này. Điển hình như vụ việc người đàn ông 61 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội đã ném "bom xăng" vào nhà hàng xóm gây cháy lớn hồi tháng 11/2020.
Hay trước đó là vụ việc nam thanh niên ở Khánh Hòa sát hại hàng xóm vì hát karaoke ồn ào giữa đêm năm 2019. Tất cả những vụ việc đó là hồi chuông báo động cho nạn ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư hiện nay.
>> Lắp cách âm vẫn chịu thua hàng xóm karaoke xuyên Tết
Xin nhấn mạnh rằng, trách nhiệm này không phải của người dân mà là ở các cơ quan chức năng. Chúng ta không thể giải quyết dựa trên khía cạnh "tình làng nghĩa xóm" hay cam kết nửa vời. Thay vào đó, các cán bộ quản lý cần có sự vào cuộc nghiêm túc.
Tôi từng thấy rất nực cười khi có người nêu ý kiến rằng huy động cả xóm đồng lòng tẩy chay để diệt nạn karaoke tra tấn. Những giải pháp manh mún như vậy không bao giờ giải quyết được triệt để vấn đề. Thậm chí, chúng còn có thể gây ra thù hận, án mạng.
Chúng ta không thể cứ mãi thỏa hiệp với tiếng ồn, ngồi một chỗi chờ đến khi hành lang pháp lý được hoàn thiện. Đã đến lúc toàn xã hội phải hành động để bảo vệ bầu không khí yên bình của cả nước. Người dân có quyền được yên tĩnh, được bảo vệ sức khỏe trước mọi hành vi xâm phạm không gian riêng tư, trong đó có nạn hát karaoke tại gia.
Muốn vậy, các cấp ban ngành địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để, nghiêm khắc mọi hành vi gây ồn dựa trên các quy định hiện hành cũng như những sáng kiến tại chỗ. Cứ làm mạnh tay như với quy định "uống bia rượu thì không lái xe", giờ "muốn hát karaoke thì phải vào phòng kín", có vậy xã hội mới thực sự yên mình, chất lượng cuộc sống của người dân mới được đảm bảo.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.