Nỗi ám ảnh về karaoke tra tấn với người Việt chưa bao nguôi, thậm chí càng ngày càng thêm trậm trọng. Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke tại gia giờ không chỉ xảy ra ở vài khu vực mà phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống.
Những hệ lụy mà nó gây ra cũng vô cùng thảm khốc, không chỉ là những mâu thuẫn đơn thuần, đó còn là vấn đề liên quan đến cả mạng sống con người. Người ta có thể đoạt mạng nhau chỉ vì lời qua tiếng lại liên quan đến chiếc máy hát tại gia. Rõ ràng, karaoke gây ồn đã không còn chỉ là chuyện của cá nhân ai, mà đã trở thành vấn nạn xã hội.
Ảnh hưởng tiêu cực là vậy, nhưng chúng ta đã làm được gì để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn? Ngoài những điều luật chung chung, dăm ba đợt ra quân nhỏ lẻ, vài lời hô hào suông... tất cả dường như vẫn cho thấy một sự bất lực toàn diện. Người dân kêu cứu trong vô vọng, cơ quan chức năng than thiếu công cụ xử lý... để rồi kẻ hát cứ hát, người nghe cứ nghe. Khổ nhất vẫn chỉ là những ông già, bà cả mất ngủ, trẻ con giật mình quấy khóc.
Là một người Việt, từng có một thời gian dài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản – quê hương của karaoke, tôi may mắn có cơ hội trải nghiệm cả hai nền văn hóa của hai quốc gia, để từ đó nhận ra những điểm khác biệt to lớn. Tôi thực sự ngạc nhiên khi người Việt bao năm qua không dẹp nổi vấn nạn karaoke tra tấn.
Trước hết, xét về lịch sử, nguồn gốc của phong trào hát karaoke là ở Nhật Bản. Từ karaoke bắt nguồn từ sự kết hợp từ "kara" (có nghĩa là "không"), với từ "oke" (viết tắt của từ "okesutora", có nghĩa là "dàn nhạc"). "Karaoke" chỉ việc các đĩa hát chỉ có âm nhạc thôi. Phần xướng âm dành cho người biểu diễn trực tiếp (và không phải là ca sĩ chuyên nghiệp), người sẽ cầm microphone và hát theo văn bản bài hát trên màn hình.
>> Cả nể hàng xóm hát karaoke gây ồn đến khi nào?
Là nơi sản sinh ra loại hình karaoke, hiển nhiên chúng ta thấy người Nhật yêu ca hát đến mức nào? Thế nhưng không phải vì thế mà họ thích ồn ào. Thực tế hoàn toàn người lại, Nhật Bản lại là một đất nước đặc biệt đề cao việc tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Ở Nhật, sự yên tĩnh không chỉ được tuân thủ tại các địa điểm và phương tiện giao thông công cộng, mà còn ở mỗi gia đình. Nhà ở thường là chung cư hoặc nằm sát gần nhau, sử dụng vật liệu rất nhẹ để xây dựng, tường rất mỏng nên cách âm kém. Chỉ một âm thanh nhỏ cũng có thể khiến hàng xóm của bạn khó chịu.
Bản thân tôi, hồi mới sang đây sinh sống, chưa hiểu về văn hóa sinh hoạt của người địa phương cũng không ít lần gặp những rắc rối liên quan đến tiếng ồn. Tôi từng bị hàng xóm ý kiến chỉ vì đóng cửa tủ quá mạnh, mở tivi quá to, thậm chí bị cả chủ khu nhà gõ cửa vì tụ tập bạn bè, nói chuyện ồn ào quá khuya. Kể từ đó, tôi luôn ý thức không đi lại quá mạnh trên sàn nhà, không đóng cửa quá mạnh, không bật nhạc quá to, không tụ tập quá khuya, hạn chế dùng các thiết bị phát ra tiếng ồn vào buổi tối như máy hút bụi, máy giặt...
Vì người người Nhật yêu ca hát, ngoài việc tới phòng karaoke chuyên nghiệp, bạn cũng sẽ không khó bắt gặp nhiều gia đình tự sắm máy hát tại nhà. Họ cũng hát như người Việt, thậm chí hát nhiều là khác, nhưng điều khác biệt chính là cách họ hát. Ở Nhật, không bao giờ có chuyện người ta vác dàn karaoke ra ngoài đường phố để hát hò ầm ĩ. Ngay cả việc hát trong nhà, họ cũng luôn ý thức chỉ hoạt động từ 9h sáng đến 19h tối, với mức âm lượng chỉ vừa đủ nghe trong nhà. Thậm chí, rất nhiều khu căn hộ cấm hẳn việc phát ra âm thanh bằng các loại máy phát nhạc bất kể thời gian nào trong ngày. Và đương nhiên, tất cả người đân đều tuân thủ.
Sau khi 22h giờ đêm, bạn gần như rất ít khi nghe thấy âm thanh ở bên ngoài do hầu như các gia đình đều giữ yên lặng tuyệt đối, không gây tiếng ồn khiến hàng xóm khó chịu. Họ luôn chú ý từ những việc nhỏ nhất như đóng, mở cửa, lên xuống cầu thang, giảm âm lượng của tivi. Khi nghe đài hoặc nghe nhạc, họ cũng luôn phải đeo tai nghe thay vì mở to bằng loa ngoài. Người Nhật thậm chí còn phát minh ra cả loại máy karaoke "tự hát tự nghe" để tránh làm ảnh hưởng tới người xung quanh.
>> Xử phạt 'karaoke tra tấn' bằng trình báo của hàng xóm
Có thể thấy, người Nhật không hề cấm hát karaoke tại gia bởi họ cũng yêu ca hát như người Việt. Nhưng họ luôn ý thức được rằng, thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhưng không làm ảnh hưởng đến người khác. Tất cả chỉ dừng lại ở mức vừa đủ, không quá khoa trương, không quá lố. Điều này rất khác so với ở Việt Nam khi người Việt cứ hát là phải tối đa âm lượng, mở loa cho cả xóm cùng nghe. Nhiều khi về thăm nhà một tuần mà tôi không thể nào chịu nổi sự ồn ào do đã quen với văn hóa sinh hoạt ở Nhật.
Một điều nữa cũng cần nhấn mạnh, chúng ta không thể giải quyết xung đột liên quan đến tiếng ồn chỉ bằng cách nói chuyện, góp ý cá nhân. Người Nhật không bao giờ làm như vậy. Bạn đừng hy vọng khi gây ồn ào, hàng xóm sẽ sang gõ cửa phàn nàn. Họ sẽ chỉ âm thầm gọi điện thẳng cho chủ nhà, thậm chí là cảnh sát khi bạn làm ảnh hưởng tới họ. Và người tới gõ cửa nhà bạn lúc đó sẽ là lực lượng chức năng. Mọi hành vi của bạn sẽ phải trả giá ngay lập tức bằng hình phạt thích đáng mà chẳng cần phải máy đo hay thủ tục rườm ra, nhiêu khê gì.
Tóm lại, nạn karaoke tra tấn ở Việt Nam tồn tại bấy lâu nay đến từ hai phía: ý thức của người dân, và sự thiếu quyết liệt từ cơ quan quản lý. Muốn dẹp bỏ vấn nạn này, toàn xã hội về phải chung tay vào cuộc thay vì cứ dùng dằng nửa lý, nửa tình.
Để đất nước văn minh, cả ý thức cá nhân lẫn luật pháp cũng đều phải thay đổi. Bằng không, chúng ta sẽ vẫn mãi là nô lệ của tiếng ồn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.