Thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường cho thuê nhà nói chung, cho thuê mặt bằng nói riêng còn trầm lắng, giao dịch ở mức trung bình bởi mọi việc kinh doanh đang vào guồng thì mấy ai trả mặt bằng? Vả lại, tiền hoa hồng môi giới cho thuê không hấp dẫn như môi giới bất động sản như nhà phố, dự án... Nhưng khi sau đại dịch, thị trường cho thuê mặt bằng, cho thuê nhà nguyên căn, cho thuê văn phòng trở nên sôi động hơn.
Đi đến đâu tôi cũng thấy hình ảnh như thế này, như tại các trục đường như Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu... Tình trạng này gần như diễn ra hàng ngày ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội. Có thể thấy một nghịch lý rằng, nguồn cung đang quá cầu nhưng giá thuê lại không giảm. Cũng chính vì lý do này mà nhiều chủ cửa hàng đang phải chấp nhận thanh lý gấp để trả mặt bằng do áp lực từ doanh thu và tiền thuê. Từ đó, tạo ra một nguồn cung nhà cho thuê vô cùng dồi dào.
Tôi từng chứng kiến những tờ giấy in đủ màu, hàng chục số điện thoại chính chủ cho thuê nhà trên đường đi làm qua con đường Ba Tháng Hai, Quận 10. Điều quá bất ngờ với tôi rằng chỉ sau những tờ quảng cáo có nội dung giống hệt nhau (chỉ khác số điện thoại) này chỉ xuất hiện sau đúng một ngày người thuê trả mặt bằng.
Nếu nhìn ở góc độ của người môi giới thì không có gì phải bàn. Nhưng nếu nhìn ở phương diện mỹ quan đô thị thì thật chướng mắt. Còn từ phía người muốn thuê mặt bằng, đó chẳng khác nào một ma trận khi không biết phải gọi theo số nào mới đúng là chính chủ, chẳng lẽ phải liên hệ hết hàng chục số điện thoại được dán trước cửa hay tìm trên các trang mạng, có phải gây nên tâm lý hoang mang cho người thuê mới hay không?
>> 'Người đẻ chứ đất không đẻ - chỉ là bài ca của cò đất'
Thậm chí, một người anh của tôi có căn nhà trên đường Nguyễn Thông cũng gặp phải một tình huống dở khóc dở cười. Chuyện là anh đang muốn cho thuê căn nhà này nên có in một tờ quảng cáo khổ A4 và dán vào một góc nhỏ trước cửa. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày về quê, khi trở lại, anh ngơ ngác, há hốc mồm khi nhìn thấy trước cửa nhà mình đã dán chi chít hàng chục tờ quảng cáo khác, đủ màu vàng, đỏ với nội dung "chính chủ cho thuê nhà" kèm hàng loạt số điện thoại khác nhau tự nhận là chủ nhà. Còn tờ giấy anh dán ban đầu đã không cánh mà bay.
Sau đó, anh tôi phải thuê người tháo hết các tờ giấy quảng cáo đó đi để đỡ gây nhầm lẫn với người muốn thuê mặt bằng. Thế nhưng cũng chỉ được vài ngày là đâu lại vào đấy, hàng loạt tờ rơi quảng cáo khác lại mọc lên như nấm. Mãi cho đến khi có người tới thi công, sửa chữa mặt bằng lại thì mới không còn thấy hiện tượng đó nữa.
Tôi cũng tò mò vì cảnh tượng này nên đã thử liên lạc với một vài số điện thoại được dán trước cửa nhà anh. Tất cả những người bát máy đều khẳng định với tôi rằng họ "đúng là chủ nhà đang cho thuê" khi tôi đề cập đến chuyện thuê nhà. Tất nhiên, tôi biết bọn họ chỉ là "cò" bất động sản bởi chính chủ căn nhà này chỉ có một mình anh tôi, trong khi anh chẳng liên hệ với một sàn môi giới nhà đất nào.
Tôi cũng biết, những chuyện như thế này đang diễn ra rất phổ biến ở các thành phố lớn. Chính bản thân tôi từng dành thời gian hẹn đi uống cà phê, gặp hết người này đến người khác và cũng bị dẫn đi một vòng thành phố để tìm gặp được chủ nhà thật sự. Quả thật, con đường đến với chủ nhà vô cùng vất vả với người có nhu cầu thuê nhà. Và cứ mỗi cầu như vậy, tôi sẽ phải mất thêm chi phí hoa hồng cho người môi giới.
Muốn đỡ tốn kém vì phải qua nhiều cầu, người đi thuê buộc phải mất thời gian, công sức kiểm tra, xác thực thông tin chủ nhà. Nếu không tìm được chính chủ hoặc môi giới "sát với chủ nhà" nhất, đương nhiên bạn sẽ phải đánh đổi bằng tiền bạc, nguy cơ lỡ kế hoạch kinh doanh của mình, cũng như phải chịu nhiều phiền toái không đáng có.
Chuyện môi giới xí phần, cạnh tranh nhau, quảng cáo, đăng tin vô tội vạ, thậm chí sẵn sàng vượt mặt chủ nhà là một hình ảnh rất xấu trong thị trường bất động sản hiện nay. Tôi dám cá rằng, trong số những quảng cáo cho thuê, rao bán nhà hiện nay, có tới 90% các số điện thoại trên đó không phải là số của chủ nhà. Tức là hầu hết người đi thuê sẽ phải làm việc qua môi giới, thậm chí là những người môi giới còn chưa biết chủ là ai?
Cảnh tượng bát nháo ở phân khúc cho thuê mặt bằng của thị trường bất động sản rõ ràng cần phải được giám sát, quản lý chặt chẽ hơn thông qua các quy định cụ thể. Vì đây cũng là một nguồn thu nhập bất thường, gây những ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường nhà đất, đặc biệt là khiến tâm lý người đi thuê nhà trở nên hoang mang.
Nguyễn Tấn Lộc
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.