Đợt giãn cách đầu tiên trong hai tháng cách ly của Hà Nội bắt đầu hôm 23/7. Lúc này mỗi ngày thành phố ghi nhận trung bình 50 - 60 ca nhiễm; trên địa bàn xuất hiện 7 ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
"Nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu", lãnh đạo Hà Nội phát biểu vài giờ trước khi chỉ thị cách ly có hiệu lực.
Đêm cùng ngày, 22 chốt kiểm soát cửa ngõ thủ đô dựng barie, tăng quân kiểm soát ra vào thành phố.
Các biện pháp chống dịch được thành phố đưa ra và thực hiện xuyên suốt qua bốn đợt giãn cách, gồm: Đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ siêu thị, chợ, cơ sở khám chữa bệnh...; tạm dừng vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, xe "ôm" công nghệ.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng được hoạt động, song phải đáp ứng yêu cầu chống dịch của thành phố (đăng ký với địa phương, chuẩn bị phương án "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến"...).
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu ngành y tế truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mất vị giác; tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với khu vực nguy cơ, người về từ vùng dịch...
15 ngày cách ly xã hội đợt đầu kết thúc hôm 6/8 không như kỳ vọng, khi thành phố ghi nhận thêm hơn 900 ca nhiễm. Số mắc mới tăng bình quân 71 ca mỗi ngày, nhiều ca cộng đồng phát sinh tại chợ đầu mối, siêu thị, khu dân cư. Đánh giá tình hình, lãnh đạo Hà Nội cho rằng "bước đầu đạt được một số kết quả nhất định", song tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Cho rằng một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chủ quan để đông người đi lại trên đường hay tại các chợ, siêu thị, một ngày sau, Hà Nội ban hành văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng biện pháp này còn một số bất cập, đơn cử như tạo nên nhiều điểm ùn ứ trên đường do kiểm soát giấy tờ. Thực tế, thành phố đã 5 lần điều chỉnh việc cấp giấy đi đường nhằm thực hiện nghiêm giãn cách.
Ngoài ra, Hà Nội chia "vùng xanh"- nơi không có dịch; "vùng cam" là các cơ quan, đơn vị thiết yếu được hoạt động và "vùng đỏ" là khu cách ly, phong tỏa; sau đó phân thành ba vùng chống dịch dựa trên vị trí địa lý và đặc điểm dân cư. Với vùng một gồm các quận nội thành, thành phố lập chốt bao quanh, kiểm soát chặt chẽ người ra vào.
Hai mũi tiêm chủng và xét nghiệm được thành phố đẩy mạnh từ tháng 8. Đợt xét nghiệm quy mô lớn đầu tiên từ 9/8 đến 22/8, ngành y tế lấy 1,1 triệu mẫu bằng phương pháp PCR cho người dân "vùng đỏ", phát hiện 83 ca dương tính. Đợt hai thu hẹp còn 200.000 mẫu, tập trung nơi nguy cơ cao, như khu tập thể cũ đông người, địa bàn tiếp giáp ổ dịch, phát hiện 11 ca dương tính.
Thành phố khởi động chiến dịch tiêm chủng diện rộng bắt đầu từ quận Hoàn Kiếm hôm 28/7. Tính đến ngày 7/9 khi bước sang đợt cách ly cuối cùng, thành phố tiêm tổng cộng 12 đợt, trên 2,6 triệu mũi.
Dù tổng lực dập dịch, song đợt cách ly thứ ba vào cuối tháng 8, số nhiễm bình quân mỗi ngày vẫn trên 71, có thời điểm lên tới 133 (hôm 29/8). Địa bàn cùng lúc bùng phát nhiều ổ dịch phức tạp, đặc biệt là ba chùm lây nhiễm trong khu đông dân cư như Thanh Xuân Trung, Văn Miếu - Văn Chương và HH4C Linh Đàm.
Việc xét nghiệm diện rộng, kiểm soát giấy đi đường xuất hiện một số điểm ùn ứ; nhiều tuyến đường nội thành trong thời gian giãn cách vẫn đông phương tiện..., khiến nhiều chuyên gia lo ngại Hà Nội sẽ khó kiểm soát dịch bệnh.
Cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính bất ngờ kiểm tra ổ dịch Thanh Xuân Trung và yêu cầu Hà Nội khắc phục ngay những bất cập trong phòng chống dịch; trước mắt cần tăng cường giãn cách xã hội "với những biện pháp mạnh hơn nữa", nhất là trong dịp Quốc khánh.
Tình hình chống dịch ở Hà Nội chuyển biến mau lẹ từ 8/9, khi bước vào chiến dịch thần tốc tiêm vaccine và xét nghiệm toàn thành phố. Gần 8.000 y bác sĩ của 12 tỉnh phía Bắc lần lượt đổ về giúp thủ đô. Hơn 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm trong một tuần, giúp Hà Nội hoàn thành trên 2 triệu mũi tiêm. Cộng dồn đến hết ngày 18/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 6,4 triệu mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó có trên 5,6 triệu mũi một, đạt 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Trong đợt xét nghiệm diện rộng cuối cùng trước ngày nới lỏng, thành phố đã lấy gần 4,2 triệu mẫu xét nghiệm, trong đó 2,9 triệu mẫu PCR, 1,2 triệu mẫu test nhanh; phát hiện 21 ca dương tính.
Hiện, Hà Nội chủ trương thu hẹp dần quy mô xét nghiệm, lấy mẫu người có yếu tố dịch tễ, trong khu phong tỏa, nơi nguy cơ cao.
Trong đợt giãn cách thứ tư từ 7/9 đến 20/9, Hà Nội ghi nhận 353 ca mắc nCoV, trong đó 32 ca tại cộng đồng. So với 3 đợt giãn cách trước, số ca mắc trong đợt giãn cách thứ tư giảm rất mạnh, chỉ còn 27,7 ca mỗi ngày so với 71,2 ca trong đợt giãn cách thứ nhất.
Thành phố vẫn còn 10 chùm ca bệnh tại 10 phường, xã thuộc 9 quận, huyện; tuy nhiên, "tình hình đã cơ bản được kiểm soát", theo phát biểu của lãnh đạo Hà Nội hôm 15/9.
Từ 6h hôm nay (21/9), Hà Nội chuyển về thực hiện Chỉ thị 15, bỏ phân vùng chống dịch, ngừng kiểm soát giấy đi đường song vẫn duy trì 23 chốt cửa ngõ kiểm soát người ra vào. Các sở ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, lên phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá hai tháng chống dịch của Hà Nội là "thành công" khi không để bùng phát rộng. Bởi thành phố đông dân, giao lưu đi lại phức tạp. Số ca nhiễm đã giảm, ổ dịch rút gọn, vùng xanh đã tăng lên.
Song ông cho rằng, việc nới lỏng cần thận trọng khi dịch bên ngoài vẫn có thể tràn vào, hoặc tại cộng đồng còn những ca bệnh "lẩn khuất" mà chưa hết được. Việc xuất hiện ổ dịch tại phường Việt Hưng, Long Biên hôm 18/9 là ví dụ.
Thời gian tới, thành phố vẫn nên tập trung xét nghiệm các nhóm nguy cơ, đặc biệt là những người ho sốt để sớm phát hiện F0 hoặc ổ dịch. Nhưng nguy cơ đến đâu, phong toả đến đó, làm chặt nhất, nhỏ nhất để dập dịch mà không ảnh hưởng kinh tế, xã hội, an sinh một cách không đáng có.
"Người dân cũng không nên chủ quan. Càng mở cửa thì càng phải tránh lơ là, bởi lúc giãn cách ai cũng thực hiện tốt 5K, nhưng hết thì lại đâu vào đấy. Quan trọng là Hà Nội cần đẩy mạnh việc tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng", ông Phu góp ý.
Phạm Chiểu - Xuân Hoa