Quê tôi một huyện ngoại thành Hà Nội, những năm 1985-1990, nhiều gia đình đi khu kinh tế mới ở cả các tỉnh phía Bắc như: Hoà Bình, các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Bình Phước. Phần lớn họ chỉ trụ được ở đó khoảng hai ba năm rồi lần lượt hồi hương.
Sau sự hăm hở ban đầu vỡ đất, khai hoang có sự trợ giúp của chính quyền địa phương cả nơi đi và đến. Đất đai rộng bao la nhưng không thể lấy ngắn nuôi dài được, thêm bệnh tật do ngã nước, sốt rét, cuộc sống nơi heo hút nên họ bỏ cuộc.
Bản thân gia đình tôi cũng lên Yên Bái sống một thời gian. Năm đầu phát rẫy trồng sắn, trồng bắp cũng rất hăng hái. Khi bắp chớm đen râu là lúc cầy, sóc về cắn xé phần nhiều. Thế là gia đình vội bẻ bắp non luộc, chứ để già thì chỉ còn cái bẹ. Sắn thì chẳng ai mua, nhổ lên nấu nuôi heo, heo chậm lớn, lỗ vốn.
>> Vay nợ mua nhà tuổi 27 vì áp lực 'an cư lạc nghiệp'
Sau mấy năm cũng phải về quê. Dần dà dân ra Hà Nội buôn bán, làm thuê, thu nhập cao hơn. Ruộng đất vẫn làm nhưng chỉ hai vụ lúa. Làm để lấy gạo ăn và giữ đất hơn là vì lợi nhuận.
Vì nếu phải thuê cấy, làm cỏ và gặt thì coi như hoà vốn. Nếu sâu bệnh, gió bão thì mất trắng, lỗ vốn. Nhiều nhà cho người khác canh tác trên ruộng không phí, vì họ cũng bỏ không. Kể dài dòng thế để các bạn biết là không phải cứ có đất hay nhiều đất là sống sung túc bằng làm nông nghiệp được.
Ông bà xưa có câu "Tấc đất tấc vàng", là khi bán được giá để mua vàng. Thời nay canh tác nông nghiệp để mua vàng là điều không tưởng.
Hiện nay, nguyên nhân giá đất tăng chính là do nhu cầu sử dụng đất cao ở những khu vực kinh tế phát triển. Người dân có việc làm, có thu nhập nên sinh sống và định cư ở đó. Những vùng kinh tế không phát triển mà giá đất tăng thì chỉ trong ngắn hạn, giá sẽ giảm khi không có người tiếp tục đầu cơ.
>> Năm giải pháp ngăn chặn khai giá bán nhà đất giảm 1/3
Đâu đó một số nước trên thế giới còn có những vùng khuyến khích dân đến ở miễn phí. Trong khi đất ở các đô thị của họ cũng không rẻ. Vì mật độ dân số của họ thấp và những vùng đó đân họ di cư vì kinh tế không phát triển.
Đất đai là một loại hàng hoá hữu hạn, một dạng tài sản không khấu hao. Ai cũng có nhu cầu sở hữu nên nó tăng giá theo thời gian là dễ hiểu.
Chỉ có sự điều tiết bình ổn của nhà nước mới làm cho giá nhà đất hạ nhiệt. Ví dụ nhà nước đầu tư hạ tầng, phân lô, bán cho những đối tượng ưu tiên. Nhà nước xây chung cư, bán và cho thuê giá rẻ.
Khối lượng nhà đất do nhà nước phân phối đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân thì sự tăng giá nhà đất sẽ không đủ hấp dẫn giới đầu cơ.
Tran Anh Toan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.