Tối ngày 5/4, tôi có tham gia cuộc họp phụ huynh cho con trai đang học lớp 2 tại một trường tiểu học tại Hà Nội, nội dung là chuẩn bị và thống nhất một số công tác để đón học sinh đi học trở lại. Trong các nội dung đưa ra trao đổi giữa cô giáo chủ nhiệm và các phụ huynh, giáo viên có đưa ra vấn đề ủng hộ kinh phí sửa chữa nhà vệ sinh trên tinh thần tự nguyện. Theo miêu tả, nhà vệ sinh xuống cấp, gạch lát nền bong rộp mất vệ sinh chung, nếu không được sửa chữa ngay sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của các học sinh.
Việc ủng hộ lập tức được các phụ huynh hưởng ứng, người ý kiến cần làm ngay, người kêu gọi phân bổ chi phí theo đầu người... Cứ nghĩ đến cảnh khu vệ sinh tập thể không sạch sẽ đã thấy thương xót cho con trẻ, nên không có ai quan tâm đến việc cần làm rõ vấn đề về trách nhiệm phía nhà trường, cũng là thông cảm cho các phụ huynh vì tình huống cấp bách và đa phần chắc cũng vì tâm lý ngại va chạm, ngại con mình bị trù dập...
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy dù là ủng hộ tự nguyện thì cũng cần phải hợp lý và hợp lệ mới hiệu quả, có tính thuyết phục cao, khiến cho tập thể đồng lòng. Hợp lý ở đây có hai vấn đề: Một là do tình huống cấp bách cần đảm bảo vệ sinh ngay tức thì để các con đi học được an toàn, sạch sẽ. Hai là việc này đã được nhà trường phát hiện từ lâu, đã kiến nghị nhiều lần lên cơ quan quản lý có thẩm quyền, nhưng vì lý do nào đó vẫn chưa có kết quả, nên trước mắt cần sự chia sẻ ngay từ các bậc phụ huynh.
Nếu hai vấn đề trên được coi là hợp lý thì sẽ thể hiện được tinh thần trách nhiệm từ phía nhà trường. Tôi có hỏi cô giáo rằng việc nhà vệ sinh bị xuống cấp như vậy xảy ra đã lâu hay mới phát hiện? Cô giáo phản hồi là "mới phát hiện" do thời gian nghỉ dịch các giáo viên không đến trường nên mới phát hiện hư hỏng sau khi thông tin Hà Nội cho trẻ từ lớp 1-6 đi học trở lại ngày 6/4/2022. Ngoài nhà vệ sinh, còn nhà thể chất và một số khu vực khác nữa.
>> Những khoản phí 'trời ơi đất hỡi' đầu năm học
Vậy là đảm bảo hợp lý cho vấn đề thứ nhất là tình huống cấp bách, nhưng tôi lại không thấy thuyết phục ở vấn đề thứ hai, vì: suốt thời gian nghỉ dịch, các cô có thể bận giảng online không đến trường, nhưng các lãnh đạo nhà trường và giáo vụ thì sao? Chẳng lẽ họ cũng không đến trường, không kiểm tra, không phát hiện hư hỏng và đến khi đi học trở lại, nhà trường mới đẩy tình thế cấp bách về phía phụ huynh? Như vậy thì lại không hợp lý. Chưa tính đến các yếu tố khác như công trình đã xuống cấp lâu nhưng nhà trường chưa thực hiện các phương án xử lý theo quy định.
Vậy thế nào là hợp lệ? Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định rõ các khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, trong đó có khoản "Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường". Vậy là việc thu phí tự nguyện này không hợp lệ. Khi một sự việc đưa ra tập thể xin ý kiến nhưng không đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ, mà vẫn được ủng hộ thì không thể nói là tính thuyết phục cao. Có chăng là việc các phụ huynh chấp nhận đánh đổi để có được bình yên từ góc độ nào đó.
Tôi tự hỏi, sau sửa chữa nhà vệ sinh, liệu có thể sẽ là ủng hộ sửa chữa nhà thể chất, sửa chữa sân trường... nữa hay không? Liệu ai chắc đó không trở thành một tiền lệ? Ở đó, có bao nhiêu phụ huynh sẽ tặc lưỡi ủng hộ còn hơn đụng chạm? Rồi các khoản ủng hộ đấy ai sẽ giám sát thu chi? Chi phí ủng hộ là sửa chữa tạm thời hay sửa chữa lâu dài? Nếu sửa chữa lâu dài thì nghiễm nhiên trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền như thế nào hay lại cử đơn vị chuyên trách vào sửa chữa tiếp cho đúng quy trình?
Các câu trả lời này phải được nhà trường và các cấp lãnh đạo tâm huyết giải đáp. Song song đó là các bậc phụ huynh cũng cần nhìn nhận sự việc từ nhiều hướng thay vì ngại đụng chạm hay chỉ lo lắng cho con em mình mà bỏ qua trách nhiệm của các nhà quản lý. Năm học nào truyền thông cũng rầm rộ vì các khoản thu ủng hộ đầu năm học của nhà trường, độc giả đa phần phản bác, nhưng khi họp phụ huynh thì chúng ta lại ngoan ngoãn chấp thuận cái không hợp lý và không hợp lệ như vậy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.