Có nên trích quỹ lớp để mua quà, bỏ phong bì tặng thầy cô trong các ngày lễ lớn (20/11, 8/3, 20/10)? Độc giả Ha Que nêu quan điểm: "Nhiều người nói, tặng quà cho giáo viên để tỏ lòng biết ơn. Nhưng tôi tự hỏi, từ bao giờ lòng biết ơn lại được quy đổi bằng quà cáp, tiền bạc vậy? Thế hệ của tôi cũng biết ơn thầy cô của mình nhưng có nhiều cách để thể hiện. Phong bì chỉ là một sự lựa chọn, nó phụ thuộc vào cách hành xử riêng của mỗi người chứ chẳng hề có quy định chung nào hết.
Tôi nhà nghèo, chẳng có gì tặng thầy cô, ngay cả một bông hoa cũng không có. Thế nhưng thầy cô không hề ghét tôi. Ngược lại, họ còn giúp tôi rất nhiều, cả vật chất lẫn tinh thần. Không có quà, nhưng lòng biết ơn của tôi với những gì thầy cô đã làm chắc chắn chẳng hề kém cạnh ai. Thế nên, quà cáp cho thầy cô không phải là thứ bắt buộc để thể hiện lòng biết ơn của phụ huynh và học sinh.
Ngày nay, nhiều người nhân danh sẻ chia trong việc đóng quỹ phụ huynh học sinh, để yêu cầu các gia đình khó khăn phải trình bày hoàn cảnh và xin được miễn đóng góp. Nói cách khác, Hội Phụ huynh học sinh ra luật chơi và đặt những gia đình khó khăn vào hoàn cảnh phải hạ mình xin xỏ. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ bị điểm mặt, chỉ tên và có cảm giác tự ti trong tập thể.
Càng nhiều phụ huynh có điều kiện, cổ súy đóng góp nhiều, thì sự mặc cảm và tự ti của thiểu số gia đình và các cháu khó khăn càng lớn hơn. Do đó, nhiều khi số đông chưa chắc đã đúng, nếu cái đó chỉ là tiền lệ được đặt ra mà không có quy định của luật. Tính nhân văn và sẻ chia trong môi trường giáo dục phải được quan tâm hàng đầu. Những tâm hồn trẻ thơ gặp khó khăn cần được nâng niu và bảo vệ".
>> 'Tốn tiền triệu đóng quỹ lớp chỉ để bỏ phong bì tặng thầy cô'
Đồng quan điểm, bạn đọc Độc Đáo nhấn mạnh: "Rất khó chấp nhận việc dùng quỹ lớp để mua quà, tặng phong bì cho thầy cô. Tôi mong cha mẹ học sinh nên:
- Không tặng quà, tặng tiền, dừng ngay việc biếu xén cho bất cứ ai đang làm việc liên quan đến con mình. Điều này sẽ tiếp nối thói quen xấu: có quà mới làm tốt.
- Ngừng suy nghĩ "thầy cô dạy con mình cực khổ, nên cần phải cảm ơn bằng quà", bởi đó là việc họ lựa chọn cho cuộc đời mình. Đôi khi việc tặng quà còn xúc phạm thầy cô mẫu mực.
- Không chia sẻ khó khăn tài chính với nhà trường: giáo dục là phi lợi nhuận, dù mong muốn hỗ trợ nhà trường để tiết kiệm, qua đó tăng thu nhập cho thầy cô, nhưng phụ huynh cũng đừng gánh trách nhiệm không phải của mình.
- Không đánh giá thu nhập của giáo viên. Xã hội ai cũng phải lao động, ai cũng phải nỗ lực kiếm sống. Phụ huynh không cần thương hại mức thu nhập của giáo viên.
- Ngừng kể lể việc tốn kém vì tặng quà thầy cô của mình bởi nó rất là phô trương và sĩ diện hão.
Tóm lại, giáo viên cũng chỉ là một nghề trong rất nhiều nghề của xã hội. Người làm nghề nào phải có tâm, không ngừng nâng cao tay nghề để cải thiện thu nhập. Chúng ta đừng đề cao nghề nào quá. Nếu biết ơn, ghi nhớ công lao thầy cô, hãy sống tốt là được rồi. Đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh nên tách rời các khoản thu liên quan đến nhà trường. Chỉ dùng quỹ phụ huynh cho lớp. Nhiệm kỳ một năm mà thu cho dự án bốn năm thì rất khó chấp nhận".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.