Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc, từ năm học 2022-2023. Theo quy định hiện hành, trong các cấp học phổ thông, chỉ học sinh tiểu học công lập được miễn học phí. Học sinh THCS hiện vẫn phải đóng học phí. Khung học phí theo quy định của Chính phủ đối với học sinh THCS là 300-650 nghìn đồng ở thành thị, 100-270 nghìn đồng ở nông thôn, và 50-170 nghìn đồng với vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất này, nhiều độc giả VnExpress lại cho rằng, học phí chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số chi phí mà phụ huynh học sinh phải chi trả mỗi năm để cho con đi học. Độc giả Anh Vũ chia sẻ: "Con tôi học cấp hai trường công, học phí chỉ bằng phần nhỏ tiền quỹ lớp. Mỗi học sinh phải đóng quỹ một năm là bốn triệu đồng, tính ra quỹ của một lớp lên đến 200 triệu một năm - một con số mà nhiều người phải giật mình.
Bây giờ, nhà trường không thu tiền cơ sở vật chất nữa, mà chuyển thành xã hội hóa. Thật ra đây là một câu chuyện dài, giải quyết không hề đơn giản. Theo quy định, cơ sở vật chất trong lớp học chỉ có bảng đen, bàn ghế. Còn máy chiếu, TV hay quạt trần, điều hòa... đều do kinh phí đóng góp từ phụ huynh.
Ngay cả bàn ghế bị hư hỏng, lớp phải đề xuất với trường, trường đề xuất với Phòng Giáo dục, Phòng lại đề xuất với Sở... Từ khi giáo viên đề xuất đến lúc cấp kinh phí, có khi đến cả năm, nên thường phụ huynh phải tự bỏ tiền ra mua cho nhanh, chẳng ai muốn cho con học cả năm với bộ bàn ghế lỗi cả. Thế nên, giờ phụ huynh không muốn đóng quỹ cũng được, bởi khi đó hiển nhiên con cái chúng ta sẽ phải học chay, không điện, không quạt, không điều hòa".
Cùng chung nỗi trăn trở về tiền quỹ lớp cho con, bạn đọc Ngọc bày tỏ: "Trường con tôi đã đóng tiền bảo vệ lại còn kèm thêm tiền gửi xe. Tiền ủng hộ xây dựng vật chất trường nói là tự nguyện nhưng mặc định thu 250 nghìn đồng một cháu.
Đóng tiền vệ sinh trường rồi nhưng vẫn kèm thêm tiền ủng hộ bảo vệ do trường rộng, nhiều cây, rụng nhiều lá. Đóng tiền điện, tiền nước uống nhưng vẫn kèm theo tiền hỗ trợ vì máy lọc nước của trường không đủ cho các con. Nộp tiền quỹ lớp rồi lại còn kèm theo quỹ hội phụ huynh học sinh. Tiền xây dựng cơ sở vật chất lại kèm thêm tiền sửa chữa máng rửa tay cho các con do bị hỏng. Rồi còn tiền sửa quạt, sửa điều hòa...
Hàng trăm các khoản thu như vậy cứ được hợp thức hóa, và phụ huynh học sinh buộc phải đóng. Đi họp phụ huynh, tôi muốn có bảng kê nhưng mục phải đóng thì cô giáo kêu nhà trường không in do vấn đề nhạy cảm, chỉ thông báo miệng. Giờ cái gì cũng cần tiền trong khi cái gì cũng rớt giá, cấy sào ruộng được hai tạ thóc (nếu được mùa), chăm bốn tháng mới bán được 1,4 triệu đồng, thử hỏi liệu nông dân chúng tôi có đủ sức nuôi con ăn học?".
>> Cam chịu các khoản thu tự nguyện vì không muốn con khổ
"Thực sự các con đi học bây giờ ngày càng có nhiều loại phí phải đóng hàng năm cho nhà trường mà không thể nói không. Mấy năm nay kinh tế của người dân rất khó khăn do hậu quả của dịch Covid nên rất mong ngành giáo dục tạo điều kiện hỗ trợ bằng những cách thực sự thiết thực, giúp các phụ huynh chúng tôi bớt đi sự vất vả.
Hơn nữa cũng rất cần chấn chỉnh lại việc thu tiền không đúng mục đích của nhà trường các cấp. Bởi hàng năm, cứ tới dịp đầu năm học mới là phụ huynh chúng tôi thường phải đóng rất nhiều loại phí do thầy cô giáo chủ nhiệm của các con yêu cầu. Khổ nỗi dù muốn hay không thì vẫn phải đóng", độc giả Nguyễn cường Thịnh bổ sung thêm.
Câu chuyện lạm thu tại các trường công lập từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối với các bậc phụ huynh mỗi năm học. Dù Bộ Giáo dục & Đào tạo nhiều lần nhắc nhở và chấn chỉnh, tuy nhiên, tình trạng này vẫn không được kiểm soát triệt để. Để rồi hằng năm, phụ huynh học sinh vẫn phải đau đầu trước những khoản thu "tự nguyện" nhưng không thể từ chối.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.