Ở Mỹ, chuyện đánh giá giảng viên là việc nhà trường phải tổ chức cho sinh viên làm, các sinh viên làm việc này ẩn danh. Có lần, một giáo sư trường luật nói với lớp tôi rằng: "Cô đã nhận được kết quả đánh giá của các em rồi. Thường thì cô sẽ dành một khoảng thời gian rảnh rỗi, tìm một chỗ im ắng trong nhà, rót ly rượu vang và đọc lời bình phẩm của sinh viên".
Khi uống rượu với liều lượng nhỏ thì người uống sẽ giảm bớt cảm xúc tiêu cực và hưng phấn nhẹ. Cô giáo nầy dùng chút rượu để "gây tê" cho cảm xúc bản thân rồi mới đọc những phản hồi tiêu cực về mình.
Việc giảm bớt những cảm xúc tiêu cực giúp người ta có thể tiếp nhận những ý kiến tiêu cực, suy nghĩ xem nó có đúng hay không, và đưa ra kế hoạch để sửa chữa bản thân dựa trên những nhận xét có lý.
Mặt khác, việc nhận ra những lời phê bình không có cơ sở cũng sẽ giúp người nhận phê bình hiểu ra là mình có thể khiến người ta hiểu lầm như thế nào, hay là các sinh viên học dở hậm hực ra sao.
Trong khi các giáo viên, giảng viên ở Việt Nam than thở vì sự khó khăn trong nghề giáo, khi các sinh viên có thể đánh giá giảng viên, giáo viên bị bóc phốt trên mạng xã hội, để rồi dẫn tới việc giảng viên dễ dãi với sinh viên, thì tại sao không có ai chịu đặt ra câu hỏi, rằng:
Vì sao việc đánh giá giáo viên có ở rất nhiều nơi trên thế giới, và mạng xã hội thì có ở khắp mọi nơi, mà tại sao Hàn Quốc với Việt Nam thì giáo viên mới phải khóc than đủ kiểu?
Việc học sinh ghét bỏ giáo viên, hay đúng hơn là hành động của một giáo viên nào đó, thật ra rất có cơ sở. Thời nay thì ai cũng đã và đang đi học, và ai cũng đã học qua hàng chục tới hàng trăm giáo viên.
Trong các giáo viên đó, ắt hẳn cũng phải có vài người đối xử một cách sai lè lè với một học sinh, và hầu như là ai cũng đã là nạn nhân của một chuyện như vậy.
Ví dụ như chuyện học sinh không đi học thêm với giáo viên đứng lớp và bị "đì". Có bạn bị giáo viên thẳng tay cho điểm kém, có giáo viên tinh vi hơn khi dạy trước đề kiểm tra ở lớp dạy thêm. Các nạn nhân tất nhiên sẽ ghét bỏ giáo viên này, và điều đó là hoàn toàn chính đáng.
Lớn lên, các nạn nhân không ghét mọi giáo viên, nhưng họ sẽ ghét mọi hành vi dạy thêm học sinh trên lớp của mình. Khi một giáo viên làm việc như vậy, những người lớn đã là nạn nhân của nạn dạy thêm kiểu này sẽ giận dữ giáo viên đó, và họ tham gia ném đá là tất nhiên.
Sự phát triển của mạng xã hội chỉ là phương tiện để phát tiết những cơn giận dữ trước sự bất công của một giáo viên. Khi mà việc giáo viên dạy thêm học trò của mình phổ biến tới mức bao người ca thán mấy chục năm vẫn không đổi, thì số lượng nạn nhân rất cao, và số người "ném đá" càng cao. Cội rễ của việc này là vì giáo viên dạy thêm rồi đì học sinh, chứ không phải là mạng xã hội.
Nếu bạn thay "dạy thêm học sinh trong lớp rồi đì học sinh khác" bằng bất kỳ một hành vi bất công, thiếu đạo đức nào khác, thì sẽ có một số người ghét các hành vi như vậy.
Kết quả sau cùng là khi một giáo viên bị cho là làm một việc sai trái, thì y chang như là sẽ có một số lượng lớn người xông vào, quyết tâm báo thù cái sự sai trái đó. Họ không ghét nghề giáo, nhưng họ ghét cái hành vi đó.
Ở một mặt khác, các nước Đông Á bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng Mạnh gần như không có khả năng phê bình và tiếp thu phê bình một cách hiệu quả. Ngay từ nhỏ, cha mẹ và thầy cô luôn đúng.
Tất nhiên là họ có nhiều cái sai, nhưng hễ con trẻ mà có ý kiến phản biện thì đó là một đứa trẻ không ngoan, hỗn hào, bất hiếu, không tôn sư trọng đạo.
Khi lớn lên, những đứa trẻ này không biết cách góp ý gì cho ai, tất cả những gì chúng biết là khi là mình là "người trên", thì "kẻ dưới" không được đặt ra bất kỳ câu hỏi nào, hay phê phán mình ở bất kỳ hình thức nào. Mà đã phê bình thì phải dùng những lời lẽ đắng cay độc địa, thì "kẻ dưới" mới nghe.
Vậy là những người muốn góp ý cho các hành vi sai trái của giáo viên đó không biết gì, ngoài chuyện dùng những lời lẽ độc địa đắng cay mà họ học được từ giáo viên của chính mình.
Ở mặt khác, những giáo viên phải tiếp nhận những lời đắng cay đấy cũng chỉ biết nhảy đổng lên và phản ứng theo những cách tiêu cực, bởi vì họ có phải là "kẻ dưới" của các phụ huynh, sinh viên học sinh đang ném đá họ đâu.
Có người dễ dãi, chấm điểm rộng rãi, mặc kệ sinh viên có học được hay không thì tùy. Có người thì đăng đàn, than thở cho nhân tình thế thái, thanh minh là bản thân không làm gì mà sao nên nỗi này.
Cực đoan nhất là quyên sinh, hậu quả của tư tưởng cổ xưa, trong đó khi người ta bị cho là làm sai thì... dùng cái chết để chứng tỏ tấm lòng trong sáng của mình. Cái này bạn có thể đọc lịch sử phương Đông và việc mổ bụng tạ tội của người Nhật để hiểu.
Những gì đã và đang diễn ra ở Hàn Quốc hay Việt Nam là hậu quả lâu dài của nền giáo dục bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng Mạnh cực đoan.
Khi gặp sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, những vấn đề này bỗng có cơ hội thổi bùng lên thành một cơn hỏa hoạn. Việc những giáo viên ở các nước này không nhận ra cách sửa chữa hay gốc rễ của vấn đề là hết sức hiển nhiên.
Xét cho cùng, các giáo viên đang hành nghề đều đã trải qua nền giáo dục khiến cả thầy lẫn trò để trở thành nạn nhân của một vấn đề đơn giản: Không ai có khả năng góp ý hay tiếp nhận phê bình một cách tích cực.
Một xã hội có chung một điểm mù thì ai ai trong đó cũng sẽ va chạm vào nhau mà chẳng ai hiểu là mình và những người chung quanh đều bị "mù" hết cả.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.