Ít ngày trước đó, một học sinh trong lớp giáo viên này phụ trách lỡ tay rạch bút lên trán bạn. Phụ huynh của em này tìm đến trường gay gắt cho rằng, cô giáo trẻ không có tư cách làm giáo viên.
Cái chết của cô giáo Hàn Quốc gây chấn động. Nhiều vòng hoa chia buồn được gửi đến trường. Nhưng trong lúc đó, vẫn có những phụ huynh cho rằng, hành động gửi hoa làm ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý con em họ. Họ còn phản đối việc hàng loạt giáo viên thay avatar có dải ruy băng đen để tưởng niệm đồng nghiệp.
Tôi thử hỏi những người bạn cũng làm ngành giáo dục ở Hàn Quốc xem nguyên nhân vì đâu. Bạn cho rằng, xã hội dùng đồng tiền làm thước đo sự sang - giàu, nghèo - hèn, thắng - thua đã khiến con người cư xử lạnh lùng, ngay cả trong quan hệ thầy - trò.
Có thể cách suy nghĩ, quan niệm về đạo đức, trách nhiệm của một giáo viên ở mỗi quốc gia là khác nhau. Song tôi, cũng là giáo viên, chưa bao giờ thấy làm giáo viên lại khó như bây giờ. Đồng nghiệp tôi, dạy một trường đại học có tiếng ở Đồng bằng Sông Cửu Long từng bị chính sinh viên "bóc phốt" trên trang confession của thành phố.
Nhiều giảng viên chấp nhận thỏa hiệp với sinh viên nhằm yên tâm kiếm tiền, hoặc vì họ tặc lưỡi cho rằng học được hay không là chuyện của sinh viên. Càng dễ dãi, càng được sinh viên đánh giá, phản hồi tốt thông qua các khảo sát. Lợi cả đôi đường.
Nhiều giáo viên phải chịu đựng. Thậm chí, để trụ được với nghề, có những người phải đi điều trị tâm lý, bởi sự hỗn hào, bởi những chiếc camera có thể quay lén mọi cử chỉ, lời nói của thầy cô, sau đó, được tung lên cho phụ huynh và cả xã hội phán xét.
Lỗi có phải do trẻ con? Chúng tôi, thỉnh thoảng ngồi với nhau, vẫn chia sẻ câu chuyện, rằng ở thế hệ của mình, học sinh thỉnh thoảng bị thầy cô đánh mắng là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ, chưa nói đến chuyện "động tay chân", vài câu phê bình đến tai phụ huynh cũng có thể "bé xé ra to", đẩy thành chuyện lớn. Tôi nghĩ không nên trách con trẻ, vấn đề nằm ở hành xử của người tiếp nhận thông tin. Trẻ con là tấm gương phản chiếu những người lớn gần gũi chúng. Chúng sẽ nhìn vào cách người lớn sống, cách người lớn ứng xử với nhau để học theo.
Vì nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan, không ít thầy cô giáo thiếu kiềm chế bản thân, bạo lực với học trò. Nhưng tôi nghĩ vẫn chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", không thể dùng để quy kết mọi hành vi uốn nắn học trò của các thầy cô đều xuất phát từ động cơ xấu.
Mỗi phụ huynh có hai đến ba đứa con, thỉnh thoảng vẫn có thể "nổi điên" với sự ngang bướng, khó bảo của trẻ. Mỗi giáo viên hàng chục học sinh, mỗi đứa một tính, một kiểu nghịch ngợm khác nhau. Không có kỷ luật và sự trừng phạt (trong khuôn khổ cho phép), làm sao dạy dỗ chúng nên người.
Sau cái chết của nữ giáo viên Tiểu học Seoi, sáng 21/7, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Joo Ho tuyên bố sẽ sửa đổi các quy định nhằm giảm bớt lấn át của quyền học sinh trước các giáo viên.
Nguyễn Nam Cường