Vận chuyển chỉ là một khâu trong chuỗi logistics song lại là yếu tố quyết định giá thành của nông sản bởi chi phí quá lớn. Những bất cập của lĩnh vực vận tải trở thành đề tài thảo luận chính của đại diện bộ, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến chủ đề: "Chi phí Logistics cho nông sản Việt, thách thức cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Ông Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại kiêm Tổ trưởng Tổ thị trường châu Âu (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết chi phí dành cho logicstics của nông sản Việt chiếm trên 20%.
Logistics không chỉ là hậu cần mà còn là giống, vật tư, đầu vào, chăn nuôi, đến xây dựng vùng nguyên liệu, sản phẩm đầu ra, chuỗi thu mua, kênh bán buôn, bán lẻ, vận chuyển đến khách hàng. Quy mô logistics của Việt Nam khá khiêm tốn, phần lớn bị đứt đoạn và thủ công như qua chợ truyền thống. Kênh bán hàng hiện đại như chợ điện tử chưa phát triển.
"Chúng ta cần đầu tư sâu và rộng hơn nữa cho ngành logicstics để quy mô sản xuất hàng hoá có thể phát triển tương xứng", ông Nam nói.
Từ vị trí doanh nghiệp nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam thừa nhận logistics trong đó có khâu vận chuyển là vấn đề rất đau đầu với tất cả những đơn vị đang tham gia chuỗi giá trị nông sản Việt.
Nữ doanh nhân này cho biết có thời điểm công ty bà phải trả 700 đồng cho chi phí vận chuyển một kg rau. Bởi nông sản sau khi thu hoạch cần vận chuyển luôn. Để những chuyến hàng nông sản thông suốt, doanh nghiệp cần trả chi phí đường bộ, lót tay, chờ đợi ở cửa khẩu.
Đồng quan điểm, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta chia sẻ có những chi phí mà doanh nghiệp vận tải không thể tính được. Với những mặt hàng phải ở biên giới lâu ngày, hàng hoá bị giảm chất lượng, điều đó khiến đội giá chi phí logistics.
Ông cho biết, để một xe đầu kéo container chạy từ Hà Nội vào TP HCM và ngược lại chi phí lương lái xe, xăng dầu, phí cầu đường... khoảng 43 triệu đồng. Riêng phí hao mòn lốp dọc đường là 8 triệu đồng. "Vì vậy đừng đặt mục tiêu giảm chi phí vận tải mà nên làm sao để vận tải hiệu quả hơn", ông Nghĩa nói.
Dưới góc độ của một doanh nghiệp logistics, theo ông Nghĩa giải pháp để giảm chi phí ở khâu logistics là tăng khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải. Hiệu quả của vận tải đường thuỷ gấp 200 lần đường bộ và chi phí vận hành cũng ít hơn. Một container chỉ mất 10 USD từ Bắc vào Nam. "Nếu giảm tỷ trọng đường bộ xuống thì bức tranh logistics sẽ khác", ông nói.
Bà Diễm Hằng cho rằng Việt Nam hiện quá phụ thuộc vào vận chuyển đường bộ, trong khi đường thuỷ, đường biển rất tiềm năng, chi phí rất rẻ. Có thể khai thác tốt những loại hình mới này sẽ giúp nông sản giảm bớt giá thành, người nông dân và doanh nghiệp bớt lo "được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa".
Đánh giá về cơ hội, ông Triệu Thành Nam cho biết EVFTA có hiệu lực từ 1/8 là một bước đệm cho nông sản Việt Nam. Trong chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ có đề cập đến vấn đề giảm chi phí logistics, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nông sản đủ tin tưởng thuê dịch vụ ngoài. Trong vận chuyển nông sản ở nhiều nước trên thế giới thường linh hoạt cả đường sắt, đường thuỷ. Việt Nam chủ yếu sử dụng đường bộ. "Cần phải đầu tư về hạ tầng nhiều hơn nữa để giảm chi phí, đồng thời đa dạng hoá phương thức vận chuyển", ông Nam nói.
Xem diễn biến chính