Chơi cổ phiếu mà vốn chỉ có 100 triệu đồng, giữ được vốn là may, nói chi có lời. Khoản lời mà bạn có phải chi vào các sinh hoạt thường ngày (không biết có đủ không), chứ "ăn cơm nhà, chơi chứng khoán" lời mấy đồng bạc thì khó nói chuyện. Thời gian bạn bỏ ra chơi so với việc đi làm thuê hoặc làm chủ kinh doanh kiếm tiền, bên nào nhiều hơn (tính trong một quãng thời gian dài) thì mới kết luận được. Lời - lỗ nhất thời không nói lên được gì.
Nguyên tắc của người mới vào thị trường chứng khoán khi chưa có kinh nghiệm gì chính là so sánh cổ tức của các công ty mà mình có ý định mua cổ phiếu. Tức là, lúc đầu bạn mua chứng khoán với mục đích ăn cổ tức chứ không phải để lướt sóng. Sau khi có kinh nghiệm rồi mới lướt sóng. Như vậy, bất kể giá chứng khoán lên xuống thế nào, chỉ cần cổ tức không đổi, bạn không cần quan tâm giá cả thị trường.
Cái bạn cần quan tâm là tài chính của công ty mà bạn mua cổ phiếu – tổng nợ trên tổng tài sản và lợi nhuận công ty thu được hàng năm có đủ để thanh toán lãi ngân hàng của các khoản nợ đó không? Nếu có, bạn yên tâm ngồi hưởng cổ tức, nếu không, bạn phải bán cổ phiếu đi vì tình trạng như vậy là dấu hiệu dẫn đến phá sản nếu CEO tài chính của công ty không có kế hoạch đảo ngược tình thế.
Vào thời điểm bán cổ phiếu, bạn phải quan tâm đến giá đánh sóng của thị trường để bán sao cho không lỗ. Giá thị trường lên xuống nhiều khi không phụ thuộc vào báo cáo tài chính của công ty, mà phụ thuộc phần nhiều vào những thông tin có tính chất "vỉa hè". Trước đây, giá thị trường khá hỗn loạn vì "chủ mưu" đánh sóng không phải là người đầu tư cổ phiếu vãng lai (người chơi lướt sóng) mà do chính các ông chủ của các công ty cố tình tạo "tin đồn" để đánh sóng. Thời điểm này, mấy người chơi lướt sóng lỗ nặng.
Người ta chạy, bạn cũng chạy? Muốn chạy nhanh thì phải giảm giá cổ phiếu xuống hơn người khác, tức là bán tháo. Khi giá xuống thấp nhất thì các ông chủ mua vào, mua rất từ từ để cho giá nhích lên chút một. Tới lúc các bạn quay lại thì không còn cổ phiếu giá rẻ để mua, rồi tranh nhau mua số lượng cổ phiếu ít ỏi ấy đẩy giá lên thật cao, các ông chủ lại bán ra. Cứ như thế vài lần, các ông chủ lời đậm còn các bạn thì khóc ròng.
Thị trường bất động sản và chứng khoán lành mạnh là khi người ta không mua đi bán lại lòng vòng với nhau bằng những "tin đồn vỉa hè" mà bằng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh của các công ty phát hành chứng khoán thông qua báo cáo tài chính. Lợi nhuận to, nợ nhỏ mà cổ tức thấp thì báo cáo tài chính nhất định "có vấn đề". Bán cổ phiếu là vay vốn của người mua, cổ tức là cái giá của khoản vốn ấy - giống như lãi suất tiết kiệm là cái giá của khoản tiền mà ngân hàng muốn "mượn" của bạn trong thời gian xác định (kỳ hạn).
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Bằng giỏi nhưng CV trắng cũng chỉ làm nhân viên quèn'
>> 'Kỹ sư ngày nay không cần biết rộng, chỉ cần hiểu sâu'
Tóm lại, cổ tức luôn là cái chuẩn, cái mốc để định giá cổ phiếu theo từng thời điểm chứ không phải muốn hét giá bao nhiêu thì hét (hoặc giảm bao nhiêu thì giảm). Nhiều người không hiểu được kiến thức cơ bản này, mua bán lòng vòng, lúc thắng thì lẻ tẻ, bạc cắc, lúc thua thì cụt vốn.
Giá thị trường phải xoay quanh cái chuẩn, cái mốc ấy thì thị trường mới được gọi là lành mạnh. Xoay quanh với biên độ bao nhiêu thì căn cứ theo lãi suất tiết kiệm (mức sàn) của ngân hàng – tức là tỷ giá cổ tức thấp nhất phải bằng với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng.
Nguyên tắc chung thì bất cứ ai có bằng cử nhân tài chính đọc sơ qua cũng hiểu, nhưng thủ đoạn dùng trong thực tế thì muôn hình vạn trạng, chẳng ai dạy được, ngay cả nhà trường.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.