(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi là một nhân viên làm trong ngành du lịch từ năm 2009 đến nay. Bản thân tôi cũng là trụ cột gia đình, hiện đang nuôi cha mẹ và con nhỏ. Hàng tháng, tôi đều phải trả lãi ngân hàng 25–26 triệu đồng từ việc vay xây dựng nhà – nơi lưu trú cho gia đình từ năm 2016 đến nay.
Kể từ ngày 23/1, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đồng loạt các tour tuyến, các hợp đồng du lịch đều bị hủy 100%. Ngành của tôi bị ảnh hưởng nặng nề kể từ đầu dịch.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các văn bản chỉ đạo của Chính phủ được xem là những biện pháp cần thiết để phòng chống dịch bệnh như: tạm ngưng hoạt động loại hình rạp chiếu phim, massage, karaoke, quán bar, vũ trường, beer club tại các cơ sở kinh doanh và nhà hàng, khách sạn từ chiều tối 14/3. Tạm ngưng hoạt động tiệm game, sân khấu, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất từ 30 người trở lên), cơ sở làm đẹp, cắt tóc, phòng gym... từ chiều tối 24/3. Từ 0 giờ ngày 1/4, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, tất cả các ngành nghề đều phải tạm ngưng hoạt động vì mục tiêu chung của toàn xã hội. Khó khăn đè nặng khó khăn.
Cũng như hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải chịu tác động đáng kể lên kinh tế, xã hội. Do vậy, tôi kính đề xuất các ngân hàng chia sẻ, hỗ trợ, đưa ra các giải pháp, xem xét hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, để cùng nhau vượt qua khó khăn trong bối cảnh thực tế hiện nay.
Cụ thể, các ngân hàng nên giảm lãi suất tiền gửi 50%, giảm lãi suất cho vay 50%, hoặc cắt giảm tối đa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Các khoản vay này sẽ được thanh toán sau khi Covid-19 bị đẩy lùi và cuộc sống trở lại bình thường. Thêm nữa, giai đoạn này, các cá nhân, doanh nghiệp cũng không thể đầu tư, sản xuất, kinh doanh để có chi phí trả lãi suất hàng tháng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.
Kim Anh