Dù Việt Nam đang trong giai đoạn căng thẳng dập dịch Covid-19 nhưng một câu hỏi vẫn cần được lên kế hoạch giải quyết ngay từ bây giờ, đó là "làm gì để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch?". Nhiều độc giả VnExpress đề xuất các giải pháp:
Ngay sau khi chúng ta chặn đứng được hoàn toàn việc lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, cả nước sẽ bước qua giai đoạn kế tiếp là phục hồi kinh tế, có thể bằng các giải pháp sau đây:
1. Mở cửa lại các cửa khẩu (đường hàng không, đường bộ, đường thủy): nhưng toàn bộ khách nhập cảnh vào Việt Nam vẫn phải chịu cách ly 14 ngày. Sau đó, nếu ai có xác nhận sức khỏe tốt thì mới được tự do đi lại trong lãnh thỗ Việt Nam (số lượng khách nhập cảnh vào Việt Nam tùy thuộc vào khả năng quản lý của các khu vực cách ly).
2. Đầu tư các đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, các đảo ở vùng biển Tây Nam... thành các điểm đến du lịch hấp dẫn vửa là khu vực cách ly để làm dịch vụ y tế, điều trị bệnh nhiễm Covid-19 cho bệnh nhân đến từ các nước trên thế giới.
3. Áp dụng các giải pháp để hạn chế tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn, đông dân, đảm bảo việc giao thông thuận lợi, không khí trong lành, ít khói bụi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đất nước trên mọi mặt: kinh tế, văn hóa, và an ninh trật tự xã hội.
4. Dù mọi hoạt động trong xã hội trở lại bình thường, nhưng trước mắt vẫn nên tiếp tục duy trì các biện pháp an toàn của mỗi người trong cộng đồng để tránh việc dịch bệnh lây nhiễm trở lại (đeo khẩu trang nơi công cộng, vệ sinh an toàn cho cá nhân...).
Thai Son
Nhân cơ hội này Việt Nam nên siết chặt bán lẻ để ít người làm chủ và kiểm soát về chất lượng sản phẩm, giá thành sẽ tốt hơn. Đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng các chợ đầu mối để đảm bảo vệ sinh môi trường làm đẹp cho quốc gia.
Bản thân những người bán hàng rong (bán lẻ) không tạo ra giá trị của một sản phẩm. Càng đông người bán lẻ thì giá dịch vụ thêm vào sản phẩm càng lớn, cũng có nghĩa là khách hàng (người tiêu dùng) sẽ phải gánh phần đó mà người sản xuất (nông dân và công nhân) thì không được hưởng. Thay vì quá nhiều người bán lẻ không tạo ra giá trị thì cơ cấu lại đội ngũ bán lẻ đi làm công nhân, nông dân.
Giờ là lúc Việt Nam sử dụng "tấm đệm rủi ro" để ngăn chặn khả năng khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra bằng cách giải ngân nhanh và mạnh hơn vào lĩnh vực y tế, an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu để vừa dập dịch nhanh chóng, đảm bảo an sinh xã hội, vừa chuẩn bị nền tảng vững chắc để bứt tốc sau dịch.
Giờ là lúc tranh thủ triển khai các dự án giao thông để tận dụng nhiều lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên phải phân nhóm nhỏ theo công việc và ăn ở luôn tại lều bạt ở công trường. Sửa chữa đường xá rất tuyệt trong giai đoạn này.
Hiện tại, ta nên áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, làm chủ, nâng cao sản xuất nguồn nguyên vật liệu và sản phẩm chất lượng. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cùng các mặt hàng thiết yếu khác mà thế giới đang cần. Chúng ta không hoang mang, thách thức cũng là cơ hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.