*Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Tiếp nối Ròm, Tiệc trăng máu (đạo diễn Quang Dũng) là tác phẩm Việt thứ hai ra rạp sau thời gian phòng vé đìu hiu vì dịch. Phim quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như Thái Hòa, Hồng Ánh, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn... được làm lại từ kịch bản Perfect Strangers của Italy. Năm 2019, phiên bản Hàn - gây sốt tại quê nhà - được ra mắt ở Việt Nam dưới tên Người quen xa lạ.
Phim kể về nhóm bốn người đàn ông, thân từ thuở nhỏ. Lớn lên, mỗi người lập gia đình hoặc hẹn hò, làm nhiều nghề khác nhau như nhà báo, bác sĩ thẩm mỹ, giáo viên... Họ cùng vợ, bạn gái tụ tập tại tiệc tân gia của một người trong nhóm. Giữa bữa tiệc, họ khởi xướng trò công khai nội dung tin nhắn, cuộc gọi điện thoại của từng thành viên. Từ đó, những bí mật xấu xí dần phơi bày.
Đạo diễn Quang Dũng từng thành công với dạng phim remake (làm lại). Năm 2018, phim Tháng năm rực rỡ là hiện tượng phòng vé Việt, doanh thu hơn 80 tỷ đồng dù nội dung không mấy khác so với bản gốc Sunny - ra mắt tại Hàn Quốc năm 2011. Tương tự, Tiệc trăng máu không đột phá nhiều về nội dung khi giữ lại gần như nguyên vẹn kịch bản của Người quen xa lạ. Tác phẩm Việt có nhiều lời thoại, tình tiết, nghề nghiệp nhân vật, thậm chí phần chạy chữ ở cuối phim, đều giống bản Hàn.
Phim vẫn giữ sức hút nhờ cốt truyện kịch tính, đề cập mặt trái của xã hội hiện đại cùng bộ mặt thật mỗi người cố giấu. Từ đầu phim, tác phẩm đặt vấn đề: sẽ ra sao nếu điện thoại - vật bất ly thân của mỗi người trong thời công nghệ - phơi bày nội dung đen tối của chủ nhân. Với các nhân vật trong phim, đó là khởi đầu của bi kịch. Một chủ nhà hàng run sợ vì lo chuyện ngoại tình bị lộ khi bạn gái anh ta đang ngồi cạnh. Một nhà báo chật vật che đậy tin nhắn chat sex mỗi tối dù luôn dặn vợ phải đoan trang, kín kẽ. Một đôi vợ chồng được ngưỡng mộ với cuộc sống giàu sang, viên mãn nhưng lại kề cận món nợ hàng chục tỷ đồng. Tất cả đều giật thót mình mỗi khi tiếng chuông điện thoại vang lên. Bữa tiệc xa hoa giữa căn penthouse bỗng thành thảm họa.
Song chiếc điện thoại chỉ là tác nhân vô tình làm lộ góc khuất mỗi người. Thực chất, tình bạn hơn 40 năm của nhóm nhân vật vốn đã rạn nứt khi người thành đạt, kẻ thất bại. Họ ngầm tị nạnh hoặc coi thường, so đo hoặc chế giễu sau lưng nhau. Mầm mống mâu thuẫn còn có thể bắt nguồn từ chính đời sống hôn nhân của những đôi vợ chồng "đồng sàng dị mộng". Ngoài điện thoại, mặt trăng cũng xuất hiện xuyên suốt phim, mang ý nghĩa ẩn dụ: khi trăng bị che lấp hoàn toàn trong đêm nguyệt thực cũng là lúc vở bi hài kịch bắt đầu.
Diễn xuất dày dạn của dàn cast làm nên sức hấp dẫn suốt thời lượng gần hai tiếng. Với một tác phẩm bó hẹp về không gian - 90% phân cảnh xảy ra trong một căn hộ, kỹ năng diễn và thoại là yếu tố tiên quyết. Bất ngờ lớn nhất phim thuộc về Thu Trang. Trước bộ phim, cô chưa có vai nào thể hiện bản lĩnh diễn xuất khi chủ yếu góp mặt ở phim hài. Vai Thu Quỳnh - một nhà thơ sợ chồng - là dấu ấn mới của cô, với nhiều cảnh đi sâu vào nội tâm nhân vật. Quỳnh có nhiều tình huống, câu nói đắt giá, khơi mào cho mâu thuẫn của nhóm bạn. Câu chuyện của Quỳnh - một người vợ bị chồng lạnh nhạt sau một biến cố - được đạo diễn chú trọng khai thác để đẩy thành cao trào cho phim. Nhân vật còn tạo được tiếng cười khi thể hiện tính vô duyên, đểnh đoảng qua diễn xuất tự nhiên của Thu Trang.
Thái Hòa là điểm sáng kế tiếp. Vai nhà báo Phan Bất Bình (chồng Quỳnh) vốn dưới sức diễn của anh. Bình luôn càu nhàu với vợ, chăm chăm vào màn hình điện thoại, thực chất để che giấu bí mật: tin nhắn chat sex mỗi đêm từ một phụ nữ lớn tuổi. Biểu cảm của Thái Hòa biến hóa linh hoạt sau nhiều tình huống, khi lạnh lùng thờ ơ, khi cuống cuồng lo lắng, lúc bi phẫn. Kaity Nguyễn - diễn viên trẻ nhất đoàn (21 tuổi) - không bị "lệch pha" so với các đàn anh, đàn chị. Vai bác sĩ thú y sắp cưới bạn trai - một anh chàng đa tình - đem lại nét trẻ trung cho phim. Nếu nhân vật này ở bản Hàn có phần mờ nhạt, Kaity Nguyễn lại đẩy được tình huống ở phân cảnh cuối phim, từ đó tạo dấu ấn.
Các diễn viên còn lại ở mức tròn vai. Kiều Minh Tuấn thể hiện được chất đa tình, láu cá của một chàng "Don Juan" qua những câu đùa. Vai vợ chồng chủ nhà - Hứa Vĩ Văn và Hồng Ánh đảm nhận - nói lên bi kịch của nhiều đôi trong xã hội hiện đại: bề ngoài thành đạt nhưng bên trong lắm nỗi ê chề. Nhân vật thầy giáo thất bại trong hôn nhân của Đức Thịnh tạo được thú vị khi trở thành nút thắt (plot twist) bất ngờ nhất phim.
Bối cảnh chính - căn penthouse của vợ chồng chủ nhà - là một điểm cộng khác nhờ tài dàn dựng của Quang Dũng. Êkíp chi ba tỷ đồng để lắp một mô hình căn chung cư hạng sang với nội thất tiện nghi trong phim trường. Thiết kế của căn hộ đôi lúc phục vụ cho dụng ý quay phim, như cú long-shot (quay không cắt cảnh) ở đầu phim, hay vẻ mặt các nhân vật nhìn qua gương lúc chất vấn nhau. Khung cảnh Sài Gòn về đêm được khắc họa bằng kỹ xảo hình ảnh (VFX).
Âm nhạc được sử dụng một cách ẩn ý. Quang Dũng dùng nhiều ca khúc để làm nhạc chờ điện thoại, từ đó tạo được tiếng cười trong những tình huống oái ăm. Ở cảnh gần cuối, Thật bất ngờ - một nhạc phẩm mang tính trào lộng, châm biếm qua giọng hát Trúc Nhân - được vang lên. Trong bản Hàn, phân cảnh này lồng ca khúc I will survive (Gloria Gaynor), giúp đoạn kết mang đậm màu sắc nhạc kịch.
Cuối phim, tác phẩm đưa ra thông điệp: mỗi con người có ba cuộc sống - công khai, riêng tư và bí mật. Cùng đó là những phân cảnh mang tính giả sử: sẽ ra sao nếu nhóm bạn từ chối chơi trò công khai điện thoại. Khi đó, họ có thể vẫn che giấu những góc khuất, cuộc sống họ vẫn sẽ êm đềm. Lời thoại của một nhân vật cuối tác phẩm cũng là câu hỏi đạo diễn dành cho khán giả: có nên công khai con người bí mật của bản thân, thậm chí với những người thân thiết nhất?
Mai Nhật