Một ngày sau buổi công chiếu phim Ròm, đạo diễn Trần Thanh Huy gặp gỡ báo chí với niềm vui trong ánh mắt. Với anh chỉ sau khi phim công chiếu trong nước, anh mới tin ước mơ của mình với phim ảnh thành sự thật.
- Mất tám năm thực hiện "Ròm", lần đầu xem phim trên màn ảnh rộng trong nước, anh nghĩ gì?
- Tôi không theo dõi phim nữa mà thích quan sát người xem hơn. Trong buổi công chiếu, tôi đi từ rạp này sang rạp khác, chọn một góc để theo dõi phản ứng khán giả có đúng như mình dự tính ở các phân đoạn không. Chẳng hạn, ở đoạn Ròm (Trần Anh Khoa đóng) và Phúc (Anh Tú Wilson) đánh nhau chí mạng trên vũng bùn, nhiều người bất ngờ khi cảnh đó được thực hiện ở dạng one-shot (quay liên tiếp, không cắt cảnh). Tôi thấy "đã" khi đông đảo mọi người đều trải qua những cung bậc cảm xúc giống như tôi - "cha đẻ" của bộ phim.
- Anh đón nhận những ý kiến về phim ra sao?
- Tôi đọc được nhiều phản hồi tích cực về Ròm. Song thú thực, tôi rất sợ những lời tung hô. Tôi sợ không biết vị trí bản thân đang ở đâu. Sau phim ngắn 16:30 (tiền thân của Ròm) nhận giải Cánh diều vàng 2012 và một số giải quốc tế, tôi liên tiếp xuất hiện trên truyền thông với những lời có cánh. Tôi dần ngộ nhận về mình khi được ca ngợi như một trong những đạo diễn trẻ hàng đầu lúc bấy giờ. Đáng sợ hơn, dù biết đang được tung hô quá đà, tôi không tìm được cách để quay đầu. Tôi chỉ nhận ra thực tế khi dự liên hoan phim Cannes 2013 - Ròm tham gia ở hạng mục Góc phim ngắn. Đến nơi, phim của tôi chỉ được trình chiếu trên laptop trong một căn phòng, đại diện ban tổ chức nói dăm ba câu chúc mừng. Đột nhiên, tôi hiểu rằng tôi chỉ đang ở sân chơi của người trẻ. Ngoài kia, giữa thảm đỏ với muôn vàn ánh đèn flash, đó mới là nơi điện ảnh đích thực được tôn vinh. Về nước, tôi từ chối mọi lời mời phỏng vấn. Tôi biết mình chỉ là con số 0.
Bây giờ, tôi căn dặn những điều đó với em trai Trần Anh Khoa. Hôm công chiếu, Khoa không thể có mặt vì đang du học ngành quay phim ở Canada. Cả êkíp tiếc cho Khoa, còn tôi lại thấy mừng. Tôi thường bảo em: Hiện tại chỉ là quá khứ, tương lai mới là hiện tại. Việc Khoa không được xuất hiện, tung hô ở một sự kiện lớn với tư cách là diễn viên chính, có thể là may mắn. Điều đó giúp em tôi bớt ảo tưởng, kiên định hơn với lựa chọn theo nghề quay phim. Nếu trở thành diễn viên, con đường với Khoa sẽ chật vật hơn rất nhiều vì khó thể đóng nhân vật nào gai góc, tạo dấu ấn hơn Ròm.
- Vì sao anh chọn em trai đóng Ròm?
- Nếu không là Khoa, sẽ không ai nhận lời đóng vai này. Từ lúc làm phim ngắn 16:30, tôi đã nhờ Khoa đóng, sau đó Khoa diễn quá đạt nên bắt đóng Ròm luôn. Nhiều người xem xong phim thương Khoa vì bị hành xác nhiều quá. Chẳng hạn, cảnh Ròm bị rớt xuống hầm mộ sâu ba mét, phải tự leo lên, êkíp quay hơn 40 lần. Hôm công chiếu, bố mẹ tôi rất xót, trách tôi không thương em (cười). Với tôi, khi đã đóng phim thì không còn là anh em, bởi tác phẩm là kết quả cuối cùng. Khán giả sẽ không thông cảm cho những dễ dãi. Sau tất cả, tôi muốn gửi lời cảm ơn Khoa đã hy sinh vì phim. Nhưng tôi cũng tự tin rằng đã cho Khoa một trải nghiệm không phải ai cũng có ở thời niên thiếu.
Dẫu vậy, không phải lúc nào tôi cũng "sắt đá". Trong phim, có cảnh Ròm bức xúc vì bị lừa gạt. Khi diễn, Khoa té từ trên mái nhà xuống đất vì một lỗi của bộ phận thiết kế và vì trời tối. Đứng ở vị trí đạo diễn, nếu tôi tiếp tục để Khoa nén đau trèo lên mái trở lại, cảnh quay sẽ rất cảm xúc, đẩy được bi kịch nhân vật lên đến đỉnh điểm. Nhưng tôi không làm vậy. Trong thoáng chốc, tôi trở lại là anh trai của em mình, yêu cầu cắt cảnh và chạy lại sơ cứu cho em.
- Theo đuổi "Ròm", anh phải đánh đổi những gì?
- Tôi nay cũng sắp ngưỡng tuổi trung niên, quãng thời gian thực hiện Ròm là cả một thời thanh xuân. Thứ duy nhất tôi đánh đổi là kinh tế. Sau phim ngắn 16:30, tôi nhận được rất nhiều lời mời hợp tác, nhưng phải gạt bỏ hết để tập trung vào Ròm. Tôi không đủ thời gian nhận các dự án khác để kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi không thể chu cấp cho em trai đi du học.
Khi làm Ròm, tôi và các anh em chỉ muốn thỏa "cái nư", không nghĩ đến việc nó đạt doanh thu ra sao, được chiếu ở các liên hoan phim quốc tế như thế nào. Bạn thấy đấy, Sài Gòn chiều hôm nay đổ mưa tầm tã, chắc là một trong những cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa. Khi quay phim, chúng tôi phải chờ hai tháng rưỡi để có một cơn mưa như thế cho một cảnh ngập nước dài 45 giây. Không phải là đam mê, sẽ không ai điên khùng làm chuyện như vậy.
* 'Ròm': Thế giới khắc nghiệt của dân chơi đề
- Vì sao anh chọn câu chuyện về những cậu bé làm "cò" đề?
- Tôi thấy số phận đặc biệt ở nhóm người chuyên "cò" đề - tư vấn con số cho người chơi đề. Với Ròm - một thằng bé bị lạc bố mẹ từ nhỏ, cóp nhặt từng đồng tiền lẻ để tìm lại gia đình, cậu phải bán đi may mắn của mình cho người khác để nuôi hy vọng gặp lại người thân. Kinh doanh sự may - rủi của bản thân rất khác so với nhiều nghề bán sức lao động như bán vé số, bánh kẹo... Dù xác suất vô cùng nhỏ, cậu vẫn quyết tâm làm được.
Từ bé, tôi đã tiếp xúc với những cậu bé bán vé dò xổ số. Tuổi thơ tôi là những ngày mê chơi điện tử hơn học hành. Ba tôi có tiệm sửa xe, có những chiều tôi ra phụ ba để kiếm thêm. Nhiều hôm tiệm ế, tôi cùng đám trẻ giúp việc trong tiệm lang thang dưới chợ, đi bán vé dò. Với tôi, đó là trải nghiệm, còn với đám trẻ, đó là mưu sinh tạm bợ qua ngày. Cuộc sống vất vả nhưng muôn màu của chúng là ký ức theo tôi suốt, trở thành động lực cho tôi làm phim.
- Anh kỳ vọng về doanh thu của phim ra sao?
- Nói về lời lỗ, tám năm qua, không ai trong êkíp nghĩ đến câu chuyện doanh thu, mục đích duy nhất là phim phải được hoàn thành. Là đạo diễn, tôi hiểu công sức mọi người bỏ ra không thể đong đếm được bằng tiền. Khi đi xin kinh phí làm phim, chúng tôi thuyết phục bằng niềm tin về một tác phẩm điện ảnh đậm dấu ấn Việt, bởi chính các nhà đầu tư cũng không nghĩ đến việc lấy lại lợi nhuận. Chuyện Ròm được gắn mác "giải cứu phòng vé Việt" sau thời gian đìu hiu vì dịch, với chúng tôi to tát quá. Tôi chỉ quan tâm Ròm đứng vị trí nào trong lòng khán giả. Điều ấy chỉ có thể được phân định khi phim hạ màn, kết thúc suất chiếu cuối cùng.
Mai Nhật