* Bài tiết lộ một số tình tiết phim
Sau 10 ngày ra rạp, phim Trấn Thành đồng sản xuất, đạo diễn và đóng chính liên tiếp phá kỷ lục của chính tác phẩm này, như: phim nội địa đầu tiên vượt mức 200 tỷ đồng, tác phẩm đạt doanh thu cao nhất trong một ngày (34,2 tỷ đồng ngày 14/3). Ở nhiều cụm rạp, Bố già lấp đầy các khung giờ với trung bình 4.000 suất chiếu mỗi ngày.
Tác phẩm thành công khi mang đến câu chuyện có bối cảnh thân thuộc, đậm chất đời sống với lối kể tự nhiên, gần gũi. Kịch bản phim hướng tới cuộc sống người lao động ở TP HCM, nơi xóm nghèo quanh năm nước ngập. Tình huống phim dễ tạo được sự đồng cảm, khiến nhiều khán giả có thể thấy được bản thân mình qua các nhân vật. Ở đó, một ông bố hàng ngày vẫn tiết kiệm một chai dầu gội với con, nhưng sẵn lòng bán nhà để con trả nợ. Một người con thương cha vẫn không thể hiểu được cách ông đối xử quá tốt với người ngoài. Đạo diễn chọn cách phản ánh góc nhìn cuộc sống ở hai phía: Ba Sang và Quắn - con trai của ông.
Diễn xuất đồng đều của dàn nhân vật góp phần không nhỏ với sức hút của phim. Ngoài hai vai chính - Ba Sang (Trấn Thành) và Quắn (Tuấn Trần), các vai còn lại đều ít nhiều tạo điểm nhấn. Ngọc Giàu đóng Hai Giàu - người chị cả trọng vật chất nhưng vẫn đặt gia đình lên hàng đầu. Lê Giang tiết chế lối diễn cường điệu để vào vai Cẩm Lệ - hàng xóm thương thầm Ba Sang - với nhiều nét hài duyên. Quý - em út Ba Sang (La Thành đóng), một vai phản diện ít đất diễn, cũng gây ấn tượng về sự chuyển biến tâm lý nhân vật. Từng vai là mảnh ghép tạo nên bức tranh tổng hòa đa màu sắc, đa diện.
Nhờ lời thoại giàu cảm xúc, phim tạo khả năng lan truyền trên mạng xã hội, tăng hiệu ứng truyền miệng từ khán giả. Trên nhiều fanpage điện ảnh, người xem trích lại các câu thoại ấn tượng trong phim: "Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?" (nhân vật Quắn), "Câu xin lỗi cha mẹ rất khó nói, nhưng nói ra rồi thì dễ thương lắm" (nhân vật bà Cẩm Lệ)... Đạo diễn Charlie Nguyễn ấn tượng với câu hỏi Quắn dành cho khán giả: "Lần cuối mọi người chụp hình với ba của mình là lúc nào?", cho rằng đây là câu thoại đắt giá nhất phim.
Tên tuổi Trấn Thành góp phần tạo nên hiệu ứng tác phẩm. Vũ Ngọc Đãng - đồng đạo diễn - đánh giá phim tạo sức hút phần lớn từ công Trấn Thành, khi anh kiêm nhiệm hầu hết vai trò, từ diễn xuất đến chỉ đạo, biên kịch lẫn dựng phim. Trước Bố già, Trấn Thành đã là tên tuổi bảo chứng cho phòng vé với hai phim có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Ở mùa Tết năm 2019, anh cùng Lan Ngọc đóng chính trong phim hài - tình cảm Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung) - tác phẩm đạt 192 tỷ đồng, trở thành phim Việt ăn khách nhất lúc bấy giờ. Cùng thời điểm, anh ra mắt Trạng Quỳnh - dự án cổ trang của Đức Thịnh với doanh thu chạm mốc 100 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, Trấn Thành giới thiệu bản web-drama Bố già như phát pháo thử nghiệm trước khi lấn sân sản xuất điện ảnh. Bốn trên 5 tập phim đứng đầu top trending (thịnh hành) của Youtube, mỗi tập đạt hàng chục triệu lượt xem, trở thành web-drama thành công nhất năm ngoái. Theo đà thành công của series, Trấn Thành tiếp tục sử dụng tên phim cho tác phẩm điện ảnh. Trên các diễn đàn, một bộ phận người xem - vốn là fan của series - trông chờ bản chiếu rạp sẽ khác biệt ra sao. Kết hợp với tên tuổi Trấn Thành và hiệu ứng của bản gốc, dự án bước đầu tạo được sức hút dù chưa ra rạp.
Chiến lược quảng bá hợp lý giúp phim phổ biến tới nhiều tầng lớp, độ tuổi. So với Lật mặt 5 của Lý Hải, Trạng Tí của Ngô Thanh Vân, Bố già bị động về thời gian quảng bá vì quay trễ hơn. Dù vậy, việc liên tục đăng các teaser, hình ảnh phim, video hậu trường - trong đó có cảnh one-shot kinh phí hơn một tỷ đồng - giúp tác phẩm nhanh chóng được nhận diện. Trấn Thành tận dụng triệt để fanpage của anh với hơn 17 triệu người yêu thích - một trong những trang cộng đồng đông người theo dõi nhất Việt Nam. Theo đại diện Galaxy - nhà phát hành, nhiều bài giới thiệu phim trên fanpage Trấn Thành đạt hơn 10 triệu người tiếp cận (reach) - con số mơ ước với hầu hết đơn vị làm quảng cáo mạng xã hội. Sau khi phim ra mắt, êkíp tiếp tục tổ chức các buổi quảng bá ở nhiều cụm rạp. Bố già là phim hiếm hoi được tổ chức cinetour tại ba thành phố lớn: TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Yếu tố thời điểm cũng mang lại doanh thu cho phim. Tết Tân Sửu đánh dấu lần đầu không có phim Việt ra mắt khi TP HCM đóng cửa toàn bộ rạp. Qua hơn một tháng im ắng, Bố già được tung đúng thời điểm người hâm mộ muốn xem phim rạp. Anh Châu Quang Phước - từng làm công việc quản lý truyền thông một cụm rạp - đánh giá thành công của Bố già nhờ sự cộng hưởng của ba nguyên nhân: xã hội vừa bình ổn sau đợt giãn cách; nhà phát hành hỗ trợ phim trong nước để "cứu" rạp; chất lượng phim đủ thuyết phục một bộ phận người xem, cũng vừa gây tranh cãi với một số khác, tạo hiệu ứng tò mò trên mạng xã hội.
Mai Nhật