* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Kịch bản lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn James Clavell, bối cảnh trước trận chiến Sekigahara năm 1600, thời điểm nhiếp chính Nakamura Hidetoshi (Yukijiro Hotaru đóng) qua đời, còn người thừa kế quá nhỏ. Trước khi mất, ông giao năm vị lãnh chúa, có Yoshii Toranaga (Hiroyuki Sanada thủ vai), thành lập hội đồng cai quản đất nước đến khi người thừa kế trưởng thành. Bên ngoài, họ phụng sự di nguyện, phò tá người kế vị, nhưng thực chất chờ thời cơ trở thành Shogun (Tướng quân) để nắm giữ quyền lực tối cao.
Trong lúc đó, hoa tiêu người Anh tên John Blackthorne (Cosmo Jarvis) cùng thủy thủ đoàn của con tàu Erasmus trôi dạt vào đất liền Nhật Bản. Anh vô tình bị cuốn vào mưu đồ tranh quyền của các lãnh chúa.
Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật là điểm nhấn giúp tác phẩm gây chú ý với khán giả. Từ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa John Blackthorne và Yoshii Toranaga, nhà làm phim đào sâu tham vọng cai trị đất nước của các lãnh đạo. Blackthorne trải qua quá trình chuyển đổi lớn, từ một thủy thủ phương Tây xa lạ dần thích nghi môi trường, phép tắc ứng xử ở Nhật Bản. Anh có sự đấu tranh nội tâm giữa hai nền văn hóa, giữa lý tưởng và thực tế, đồng thời tìm kiếm tình yêu cho riêng mình.
Biên kịch xây dựng Toranaga là lãnh chúa tàn nhẫn, mưu mẹo, nhìn xa trông rộng. Nhân vật dựa trên hình tượng của Tokugawa Ieyasu, người sáng lập và là vị Shogun (Tướng quân) đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa, nắm quyền từ sau trận Sekigahara năm 1600 đến Minh Trị Duy tân năm 1868.
Toranaga luôn tính toán từng bước đi để đạt được mục tiêu thống nhất Nhật Bản. Ông kiên nhẫn, sẵn sàng chờ đợi thời cơ thích hợp để ra tay, đồng thời biết cách khích lệ, dụ dỗ, thậm chí đe dọa người khác làm theo ý mình. Bên cạnh tham vọng, Toranaga là người tình cảm, thân thiết với đồng minh, thuộc hạ thân cận.
Các mối quan hệ trong Shogun phức tạp và nhiều mâu thuẫn. Những xung đột này góp phần tạo kịch tính cho câu chuyện, giúp bộc lộ tính cách nhân vật. Qua những cuộc gặp gỡ và tương tác, mỗi người trong phim khám phá bản thân, nhận ra vị trí của mình trong xã hội.
Không chỉ tập trung vào các nhân vật nam, Shogun đề cao vai trò người phụ nữ trong bối cảnh chiến tranh. Cầu nối cho mối quan hệ giữa Blackthorne và Toranaga là Toda Mariko (Anna Sawai đóng), thông dịch viên của chàng thủy thủ. Cô đồng hành lãnh chúa trong việc chính trị, là biểu tượng của sức mạnh nữ giới trong xã hội nam quyền. Ở những tập cuối phim, vai trò của Mariko được bộc lộ rõ, khi cô sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người mình yêu thương.
Ngoài Mariko, các vai nữ khác như Fuji, phu nhân Ochiba thể hiện nét dịu dàng nhưng cũng có lúc cứng rắn. Dù đau khổ sau cái chết của chồng và con trai, Fuji (Moeka Hoshi) phải tiếp tục sống, trung thành với lãnh chúa Toranaga. Còn phu nhân Ochiba (Fumi Nikaido) biết cách sử dụng quyền lực để trả thù cho gia tộc.
Các nghệ sĩ hóa thân tròn vai, phản ánh tâm lý nhân vật qua ngôn ngữ hình thể và giọng nói. Tạp chí Empire cho rằng nội dung phim giúp màn trình diễn của bộ ba diễn viên chính trở nên nổi bật. The Hollywood Reporter khen ngợi các diễn viên phụ Moeka Hoshi, Tadanobu Asano, Fumi Nikaido, Shinnosuke Abe và Tokuma Nishioka.
Dự án chú trọng phần ghi hình, tận dụng nhiều góc máy giúp khán giả hình dung về không gian, địa điểm và các sự kiện. Phim lồng ghép nhiều chi tiết văn hóa của người Nhật thời xưa như trà đạo, cách chào hỏi, nghi thức seppuku (nghi thức tự sát bằng cách đâm kiếm vào bụng của samurai) để chứng minh tấm lòng với lãnh chúa. Phần âm nhạc có sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống Nhật Bản và giai điệu hiện đại, làm tăng cảm xúc cho câu chuyện.
Các trang phục truyền thống Nhật Bản được đầu tư. Theo Variety, có đến 2.300 bộ đồ được sử dụng cho 10 tập. Dựa trên những bức tranh thập niên 1600 và cố vấn từ các nhà sử học, nhà thiết kế Carlos Rosario sáng tạo màu sắc và chất liệu. "Tôi chưa bao giờ làm việc trong một dự án nào cẩn thận và chú trọng đến từng chi tiết như bộ phim này", Rosario nói.
Tác phẩm được giới phê bình toàn cầu đón nhận. Trang Rotten Tomatoes viết: "Shogun hoành tráng về mặt hình ảnh, phản ánh chân thực nền văn hóa Nhật". Trang Asian Movie Pulse đánh giá: "Series tuyệt vời, bám sát tinh thần tiểu thuyết gốc, mọi người đều nên xem". Tờ The Australian nhận xét: "Phần mở đầu ấn tượng, kỹ thuật dàn cảnh, diễn xuất, phục trang hoàn hảo, giúp khán giả hiểu rõ về xã hội Nhật Bản thời phong kiến".
Ở Emmy 2024 hôm 15/9 (giờ địa phương), series đoạt bốn trong số 25 đề cử, gồm Phim chính kịch xuất sắc, Nam - nữ chính xuất sắc của loạt phim chính kịch (Hiroyuki Sanada - Anna Sawai) và Đạo diễn xuất sắc thể loại phim chính kịch (Frederick E. O. Toye). Trước đó, tại lễ trao giải Creative Arts Emmys hôm 10/9, loạt phim giành được 14 giải.
Quế Chi