Ba năm cách biệt do đại dịch Covid-19 đủ dài để nhiều người nhận ra cần trân trọng từng phút giây bên gia đình. Tết Quý Mão 2023, nhiều người con xa xứ của Việt Nam nô nức đặt vé máy bay, vượt đường xa để về mái nhà nơi họ đặt trái tim mình ở đó.
Bạn gái thân thời đại học của tôi đang sống và làm việc tại Trung Quốc. Năm 2020, chị vẫn về Hà Nội thăm gia đình đến tháng 9 thì trở về Trung Quốc. Từ sau khi trở lại Trung Quốc, đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc thực hiện chiến dịch "zero-Covid" kéo dài ba năm. Do đó, những người nước ngoài sống và làm việc tại Trung Quốc không thể về quê đón Tết.
Kể từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng Covid-19, mở lại biên giới cho khách du lịch và nới lỏng hàng loạt biện pháp hạn chế sau ba năm đóng cửa vì dịch Covid-19, bạn tôi mới có thể đưa con về Hà Nội. Lần trở về này, chị xúc động và hồi hộp chờ giây phút đoàn viên.
Những năm ở Trung Quốc, dịp Tết, chị vẫn duy trì truyền thống quê nhà như gói bánh chưng, cúng tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, dâng hoa, bày mâm ngũ quả, sửa soạn cỗ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu vào chiều 30 Tết, cúng Giao thừa, xông đất, chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, con trẻ, đi lễ chùa đầu xuân... Những người Việt Nam làm ăn ở Trung Quốc hầu như đều như bạn tôi, chờ đợi ngày về sau ba năm xa cách.
>> 'Vui như Tết khi không vùi đầu vào bếp núc'
Năm nay, chị về quê đón Tết hai tháng và đang tận hưởng những ngày Tết đầm ấm, bình yên và hạnh phúc bên gia đình. Chiều tối mùng Một Tết, tôi qua nhà thăm chị. Cả hai cùng nhau uống rượu mơ, ăn tối mừng ngày gặp lại, đi cà phê và ra quán hát karaoke gần nhà. Ngày Tết trôi qua nhẹ nhàng, ấm áp, bình yên quá đỗi. Tôi hiểu, hạnh phúc đối với những người xa quê như chị không phải là điều gì đó cao siêu, hạnh phúc đơn giản chỉ là được ở bên gia đình, bạn bè.
Chỉ khi con người ta bị rơi vào cảnh chia ly cách biệt mới thấy trân quý những điều đơn giản và khao khát được sum vầy, vui vẻ bên gia đình, bạn bè. Đây là điều hạnh phúc nhất trong những điều hạnh phúc. Bởi, đâu đó ngoài biển xa, có những ngư phủ vẫn vờn sóng chưa thể về nhà; những tài xế đang bon bon những chuyến hàng. Có ai đó không thể về nhà vì có người đau yếu phải nằm lại trong bệnh viện dịp Tết hay những công nhân đang cầm chổi ngoài đường sau giao thừa...
Thế nên, hãy cứ trân quý, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của Tết Nguyên đán, lan tỏa những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và tình yêu quê hương đất nước trong các thế hệ con cháu. Cứ yêu Tết và tận hưởng ngày Tết bằng tất cả trái tim và sự chân thành, thanh thản của mình, bỏ qua hết những mệt mỏi, phiền toái khi chuẩn bị Tết, bởi ít nhất bạn và tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, được bên gia đình trong thời khắc chuyển giao năm mới.
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền đang làm việc tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Tác giả chia sẻ nhiều ý kiến về các khía cạnh trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.