Nhiều người than thở Gen Z ngày nay khó mua nhà hơn thế hệ trước. Tôi không phủ nhận giá nhà bây giờ cao hơn trước đây rất nhiều. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thu nhập của Gen Z khi mới ra trường hiện nay cũng cao hơn Gen X, Gen Y ngày trước đó thôi. Thậm chí, tôi biết một số bạn trẻ phấn đấu vài năm sau khi ra trường đã đạt mức thu nhập cao hơn cả 8X, 9X đã đi làm cả chục năm.
So sánh như vậy để thấy, không thể cứ đổ tại giá nhà tăng cao mà vội vàng kết luận Gen Z vất vả, nhiều thách thức mua nhà hơn cả. Tôi cho rằng mỗi thời mỗi khác, thế hệ nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Chẳng hạn thời nay giá nhà cao hơn, nhưng đổi lại thì trường việc làm lại vô cùng sôi động (nhiều loại hình công việc, nghề nghiệp mới được hình thành; các doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao hơn đáng kể cho sinh viên mới ra trường, miễn là các bạn chứng minh được năng lực và hiệu quả công việc).
Còn chuyện mua nhà thì thời nào cũng là việc đại sự của đời người. Muốn làm được, bạn phải có kế hoạch, kỷ luật và sự kiên trì. Những người làm việc chân tay mà mua được nhà thời trước cũng không phải ngoại lệ. Căn nhà của người lái xe ba gác cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu chứ chẳng dễ dàng gì. Còn Gen Z ngày nay vẫn hay tự nhận mình là thế hệ "cợt nhả", vậy lấy gì làm cơ sở để mua được nhà?
Lấy chính câu chuyện của tôi làm ví dụ để các bạn thấy: Tôi là 9X đời đầu. Trước khi mua được nhà, tôi cũng phải đi ở trọ. Phòng trọ của tôi thậm chí chưa bao giờ được lắp máy lạnh vì không có tiền, phải tiết kiệm tối đa. Tôi cũng hiếm khi nào dám bỏ 50.000 đồng ra mua ly trà sữa để uống. Bữa ăn sáng của tôi ít khi vượt quá 20.000 đồng.
>> Bị chê hà tiện nhưng mua được 5 nhà Hà Nội
Ngoài ra, tôi cũng ít tiệc tùng, không đua đòi chụp ảnh check-in, "sống ảo", du lịch "chữa lành" nọ kia... Thậm chí, những năm mới đi làm, tôi còn chọn đi tàu về quê cho tiết kiệm thay vì đi máy bay. Về công việc, tôi thường nhận làm OT cuối tuần để kiếm thêm thu nhập, không bao giờ phàn nàn hay kêu ca vì phải làm nhiều, không có thời gian hưởng thụ.
Nhờ đó, giờ tôi đã có nhà của đàng hoàng, xe hơi đầy đủ và còn có một chút tiền tích trữ để phòng thân. Tất nhiên, khi đã dư dả, tôi không còn phải kiêng khem, không dám tiêu pha như trước. Nhưng tôi vẫn duy trì thói quen chi tiêu hợp lý, không "vứt tiền ra cửa sổ" vô cớ chỉ để thỏa mãn cảm xúc nhất thời.
Nói vậy để thấy, nếu có xuất phát điểm thấp, ta phải chấp nhận đánh đổi cái giá nào đó tương xứng thì mới mong đạt thành quả mình muốn trong tương lai. Chứ gia đình không khá giả mà bản thân vẫn vừa làm vừa chơi, thích hưởng thụ sớm thì thành quả ở đâu ra?
Tôi tin, người đạp ba gác trong câu chuyện "Thách thức mua nhà với Gen Z" và cả gia đình ông ấy cũng từng có cuộc sống vất vả, khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Nhưng nhờ sự quyết tâm tích lũy, hy sinh cái trước mắt nên ông mới có được năm căn nhà để dưỡng già. Đây hoàn toàn không phải chuyện giỡn chơi mà là sự nghiêm túc và sống có trách nhiệm - thứ mà nhiều bạn trẻ Gen Z ngày nay không có được.
- Tôi làm con nợ từ tuổi 20 để đổi lấy hai căn nhà dưỡng già
- Cục nợ mua nhà Sài Gòn 3 tỷ đồng khiến tôi như 'trâu cày'
- 'Chung cư Hà Nội giá 9 tỷ, tôi thà ra vùng ven mua nhà đất, sắm ôtô'
- Tôi 'bị điên' khi mua nhà Sài Gòn 13 năm trước
- Tôi bị chê cười vì không vay một tỷ mua nhà Sài Gòn
- Hối hận vì chọn thuê nhà 3,5 triệu một tháng thay vì vay nợ mua nhà