"Con không sợ học hành vất vả, con chỉ sợ vừa phải học vừa phải chạy theo những thay đổi liên tục"; "Liệu đã ‘chốt’ thực sự chưa cô?", nhiều câu hỏi giống nhau. Tôi cảm nhận được sự hoang mang, thất vọng trong từng cuộc gọi, từng tin nhắn. Họ tìm tới tôi không phải chỉ để xác nhận thông tin. Với tư cách là cô giáo đã đồng hành cùng các em nhiều năm, tôi luôn chọn cách trấn an khích lệ, rằng tất cả mọi người đều phải đối mặt nên cơ hội cũng như rủi ro sẽ là ngang nhau. Rằng ta hãy xem đây là dịp để trau dồi kỹ năng tự điều chỉnh và thích nghi.
Nhưng chính giáo viên chúng tôi nhiều năm qua thực sự cũng như bị trói cả hai chân, đang cố sức nhảy mà không để bị ngã. Trong thâm tâm, tôi thực sự cũng mong giáo dục đừng thay đổi vội vàng, đừng liên tục đem các em ra để đánh cược cho những cuộc thử nghiệm tính theo nhiệm kỳ.
Nỗi sợ lớn nhất của học sinh khi ôn thi, đặc biệt là những kỳ thi mang tính quyết định như thi đại học, đương nhiên là sợ trượt. Nhưng trong khoảng năm năm trở lại đây, tôi lại nhận thấy một nỗi sợ khác luôn ám ảnh các em, đó là sợ những cải cách liên tục và đột ngột trong chính sách tuyển sinh.
Sau nhiều thập kỷ ổn định với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học được tách biệt, 2015 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện kỳ thi hai trong một, tức là gộp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học. Tôi còn nhớ khoảng giữa năm 2014, học sinh đang học lớp 12 của tôi khi đó, trước thông tin về kỳ thi gọi là "trung học phổ thông quốc gia", các em vừa ôn thi vừa thấp thỏm không biết số phận của mình sẽ như thế nào. Cuối cùng, tất cả vỡ òa thở phào khi biết 2014 sẽ là năm cuối cùng được thi theo hình thức cũ. Còn những học sinh đang học lớp 11 thì vô cùng lo lắng. Các em chỉ còn khoảng một năm để sắp xếp lại kế hoạch học tập sao cho kịp đáp ứng những yêu cầu mới.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo hình thức thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn được tự chọn theo danh sách do Bộ Giáo dục đào tạo quy định được áp dụng vào năm 2015 và 2016. Từ năm 2017, hình thức thi lại được điều chỉnh, thay vì thi bốn môn độc lập như trước, thí sinh phải thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hoặc Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Nghĩa là các em sẽ phải học sáu môn để đáp ứng cả kỳ thi tốt nghiệp cấp ba và kỳ thi đại học.
Và gần đây nhất, thông báo của Bộ Giáo dục Đào tạo về dự kiến "giữ năm bài thi như thi trung học phổ thông quốc gia nhưng mục tiêu chính chỉ để xét tốt nghiệp không gồm cả xét tuyển đại học" đã khiến hàng triệu học sinh sốc nặng khi chỉ còn khoảng ba tháng nữa là đến kỳ thi mang tính bước ngoặt của đời người. Nhưng chỉ chưa đầy một tuần sau, Bộ lại cho biết "quyết định vẫn tính ba đầu điểm với mỗi bài thi tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển".
Thay đổi những bất cập trong khoa cử để tiến bộ và phù hợp thời đại là tất yếu và cần thiết. Bản thân tôi cũng đã trải qua những ngày tháng đi học, ôn thi, và bây giờ là dạy học, luyện thi. Tôi luôn cố gắng kiếm tìm những điểm được xem là tiến bộ khi có dịch chuyển trong quyết sách của ngành Giáo dục. Nhưng những gì đã diễn ra các năm trước và với năm nay khiến tôi khó mà có thể cho rằng đại dịch Covid-19 là yếu tố khách quan khiến chính sách khoa cử biến thiên bất thình lình. Sự bất định trong tư duy ra quyết định của nhà quản lý có lẽ từ nguyên nhân khác mà đã không lấy học sinh làm trung tâm.
Học sinh của chúng tôi, để cán đích và nhận cuốn học bạ cấp ba đã phải trải qua hàng nghìn bài kiểm tra, vô số đợt sát hạch, vô số kỳ thi trong 12 năm đèn sách. Cuốn học bạ đó, nếu minh bạch và thực chất, với những đầu điểm đạt chuẩn, với những chữ ký và nhận xét của giáo viên, chẳng lẽ không thể là minh chứng cho việc các em đã hoàn thành nhiệm vụ học tập, chẳng lẽ không đủ giá trị để làm cơ sở công nhận tốt nghiệp? Như vậy khác nào chúng ta phủ nhận mọi thành tích đã có, phủ nhận luôn cả một quá trình dạy và học ở các cấp? Hay nói cách khác, ngành Giáo dục không có niềm tin ở chính những sản phẩm của mình?
Và nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn đạt khoảng 95 %, tôi lại càng băn khoăn tìm lời giải cho câu hỏi: để giảm tải cho học sinh, Bộ Giáo dục đã bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp cấp ba, nhưng vì sao rút cục kỳ thi đó vẫn chen chân và tồn tại song song cùng kỳ thi đại học?
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ra đời với mục đích xét tốt nghiệp cấp ba và xét tuyển đại học đang đối mặt với nhiều hoài nghi và chỉ trích, chắc chắn vẫn cần những nỗ lực sửa đổi và hoàn thiện. Mục tiêu tối thượng của giáo dục là vì người học, vì một xã hội trí tuệ tiến bộ.
Ngành Giáo dục kỳ vọng đào tạo được những thế hệ không học lệch, giỏi đều các môn. Nhưng hình như chúng ta đang cố tình quên rằng chẳng mấy đứa trẻ thực sự giỏi toàn diện và cố tình không nhìn nhận rằng mỗi em đều tiềm ẩn một năng lực riêng vượt trội. Chúng ta hoan hỉ với những tấm giấy khen "giỏi" hàng năm phát cho học trò. Thành tích "giỏi" đó, theo tôi, hoặc là giả dối và dễ dãi, hoặc thang đánh giá đã bị giảm quá sâu, hoặc là học sinh đã phải đánh đổi quá nhiều.
Tôi luôn mong muốn học sinh của mình đừng là những nhân tố nhạt nhòa. Tôi luôn muốn các em có thể không cần phải giỏi tất cả, nhưng nhất định phải có ý thức tìm kiếm, phát huy thế mạnh của chính mình. Một bảng thành tích thực chất, những cơ hội để phát huy tối đa năng lực và đam mê, gỡ bỏ bớt áp lực học hành thi cử - đó có phải những gì mà học sinh được hưởng sau nhiều bước đột phá của ngành Giáo dục? Hay vẫn còn đó một nỗi sợ triền miên kéo dài đến tận những ngày sát nút đời học trò?
Đỗ Sông Hương