Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), khối 27 thành viên, tuần trước ra tuyên bố lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và vạch ra các bước đi nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga.
Một trong những bước đi được EU vạch ra trong tuyên bố là "hợp tác với nhau trên cơ sở tự nguyện" để cùng mua khí đốt và các nhiên liệu khác, nhằm "tận dụng tối đa vị thế chính trị và thị trường của liên minh và các quốc gia thành viên để giảm giá năng lượng trong các cuộc đàm phán".
Mô hình này từng được khối vận dụng thành công để hợp tác mua vaccine Covid-19, khi liên minh cho rằng "hành động chung của toàn EU là rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine cho tất cả mọi người".
Tuy nhiên, khí đốt dường như là vấn đề đau đầu hơn nhiều. America Hernadez, nhà phân tích của Politico, chỉ ra một số lý do khiến EU khó đồng lòng thiết lập hệ thống mua chung khí đốt nhằm tăng sức mạnh tập thể trong cuộc đối đầu năng lượng với Nga.
Mô hình này chỉ hiệu quả khi tất cả các nước thành viên đều đồng lòng, theo Hernadez. Sức mua sẽ có hiệu quả nhất nếu bạn mua số lượng lớn, nhưng hiện tại chưa rõ bao nhiêu phần trăm khí đốt của khối sẽ được mua theo chương trình được đề xuất.
Với mô hình này, Ủy ban châu Âu sẽ phải thiết lập một nền tảng ký kết hợp đồng chung cho các quốc gia quan tâm, trong đó họ tập hợp các đơn đặt hàng khí đốt và tìm nguồn cung phù hợp thông qua các cuộc đàm phán song phương với những nhà sản xuất khí đốt lớn.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia EU đang bị ràng buộc với các hợp đồng khí đốt dài hạn. "Nếu nền tảng mua chung chỉ có vai trò mua thêm một lượng khí đốt bổ sung, nó sẽ kém hấp dẫn hơn", Hernadez cho hay.
Cuộc khủng hoảng khí đốt toàn cầu hiện nay có nghĩa các nhà sản xuất có thể đặt giá cao kỷ lục cho nguồn cung hạn chế của họ. Do đó, họ sẽ cần đạt được những lợi ích khác để xem xét bán cho EU với mức giá thấp hơn, đặc biệt nếu thỏa thuận đó có thể gây ảnh hưởng tới các khách hàng lâu năm.
"Tôi không thấy bất kỳ nhà sản xuất nào từ bỏ lợi nhuận và các khách hàng truyền thống trừ khi họ nhận được lợi ích chính trị rất lớn, điều mà EU có lẽ khó có thể cung cấp. Điều đó chỉ có Mỹ mới có thể làm được", Brenda Shaffer, thành viên cấp cao tại Trung tâm Năng lượng toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, nói.
Georg Zachmann, thành viên viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels, Bỉ đồng tình với nhận định này.
"Sẽ cần rất nhiều tiền. Nếu Ủy ban châu Âu ký thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ euro với các công ty sản xuất khí đốt, họ sẽ phải xem xét đến yếu tố chính trị khi ra quyết định mua từ ai và trả bao nhiêu", Zachmann nói.
Một nền tảng mua chung khí đốt cũng có thể phá vỡ quy tắc cạnh tranh của EU, theo Hernadez. Việc các nước EU bắt tay với nhau để ép giá khí đốt có thể được coi là một hành động bất hợp pháp, tùy thuộc vào người mua là ai và có bao nhiêu thông tin về giá cả được công bố.
Tuyên bố của Ủy ban châu Âu không nêu rõ ai sẽ đứng ra đại diện cho khối trong các hợp đồng mua chung này, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói "không phải chính phủ mà là các công ty sẽ ký hợp đồng".
Nhưng việc EU sử dụng một nền tảng mua chung đặc biệt để đàm phán thỏa thuận khí đốt có lợi cho các công ty tư nhân hoặc do nhà nước sở hữu một phần sẽ làm dấy lên những hồi chuông cảnh báo về chống độc quyền.
"Những công ty tham gia vào nền tảng mua chung sẽ đến từ nhiều quốc gia thành viên khác nhau, hầu hết có thể thuộc sở hữu chính phủ. Sau đó, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người quyết định công ty được tham gia vào nền tảng mua chung và điều kiện để được tham gia là gì", Kim Talus, giáo sư luật năng lượng tại Đại học Tulane ở Louisiana và Trường Luật thuộc Đại học Đông Phần Lan, nói.
Một vấn đề khác là để đảm bảo nhận được một hợp đồng tốt hơn, "bạn phải chia sẻ những thông tin thương mại nhạy cảm. "Mọi người sẽ biết mức giá đề xuất của những người khác, điều thường không được tiết lộ với các đối thủ cạnh tranh", Talus nói thêm, chỉ ra rằng hành vi này có thể là một hình thức "cấu kết ngầm".
Tuy nhiên, các công ty có thể lách luật bằng cách bí mật chia sẻ thông tin với Ủy ban châu Âu. Luật cạnh tranh của EU cũng cho phép những trường hợp miễn trừ, đặc biệt là khi thỏa thuận đạt được giúp cải thiện phân phối hàng hóa và chia sẻ lợi ích công bằng hơn giữa người tiêu dùng trong khối.
Phân chia khí đốt sau khi mua chung cũng sẽ là một vấn đề đau đầu với EU. Các nước thành viên EU có mức độ phụ thuộc khác nhau vào khí đốt Nga và không phải quốc gia nào cũng có cơ sở lưu trữ hoặc được tiếp cận trực tiếp với kho nhập khẩu khí đốt tại cảng.
Điều đó tạo ra nhiều rắc rối khi phân bổ khí đốt và hạch toán mức giá cuối cùng, bao gồm chi phí để biến khí hóa lỏng thành khí đốt và vận chuyển chúng đến từng nước bằng đường ống.
"Thách thức chính là phân phối. Họ phải tìm ra cách đảm bảo chia sẻ rủi ro mà tất cả các bên có thể chấp nhận", Zachmann nói.
Giới quan sát cho rằng cũng không có gì đảm bảo các nước lưu trữ khí đốt sẽ chuyển chúng cho các quốc gia láng giềng theo cam kết nếu họ phải đối mặt với một đợt lạnh nghiêm trọng hoặc vấn đề về nguồn cung.
"Các nước EU vốn hay xảy ra nhiều bất đồng và khi giai đoạn đoàn kết quốc tế vì xung đột Ukraine qua đi, xu hướng này chắc chắn sẽ quay lại", Hernadez nhận định.
Sanberg cũng nêu những tranh cãi có thể xảy ra khi phân bổ khí đốt được EU mua chung. "Tại sao Đức được ưu tiên? Tại sao Tây Ban Nha đặt giá trần cho khí đốt nhưng vẫn được tiếp cận với khí đốt ưu đãi? Ai sẽ quyết định việc phân chia khí đốt, dựa trên số liệu cũ hay mới?", bà đặt ra những câu hỏi giả định.
Ủy ban châu Âu muốn nhóm mua chung sẽ được thiết lập trong mùa hè này để EU có thể lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới. Nhưng EU là khách hàng khổng lồ trên thị trường khí đốt nên mọi phát ngôn từ liên minh này đều có thể tác động tới giá cả.
Vào tháng 3, Ủy ban châu Âu đề xuất yêu cầu các nước thành viên phải lấp đầy 90% kho dự trữ trước ngày 1/10, động thái đã khiến giá khí đốt tăng từ 70 euro/megawatt giờ hồi tháng 1 lên 210 euro/megawatt giờ (hơn 232 USD) hồi đầu tháng 3. Ủy ban đã nhanh chóng rút lại đề xuất và nói rằng muốn các kho dự trữ được làm đầy 80% trước ngày 1/11, khiến giá khí đốt giảm về mức 108 euro/megawatt giờ.
"Chỉ cần nói ra những gì họ muốn, Ủy ban châu Âu đã khiến việc thực hiện nó trở nên khó khăn hơn", Tom Marzec-Manser, người đứng đầu nhóm phân tích khí đốt của công ty ICIS, nói.
Giới quan sát cho rằng đây là một ví dụ về hậu quả không mong muốn của việc can thiệp vào thị trường và nỗ lực xây dựng nhóm mua chung khí đốt mà EU đang ấp ủ có thể gây tác động tương tự. "Can thiệp thị trường sẽ chỉ tiếp tục gây biến động giá khí đốt trong tương lai", James Huckstepp, nhà phân tích về khí đốt tại S&P Global Platts, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Politico, WP)