Chiến dịch quân sự của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine đã đánh trực tiếp vào những nỗ lực chậm chạp của châu Âu để từ bỏ khí đốt Nga. Khi nguy cơ không còn khí đốt Nga ngày càng hiện hữu, châu Âu đang đối mặt với tình cảnh người dân co ro trong giá lạnh và các nhà máy không thể hoạt động trong mùa đông tới.
Dù Nga cắt nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây, hay châu Âu chủ động ngừng mua, các nhà hoạch định chính sách châu lục đều đồng tình rằng họ cần chuẩn bị cho một tương lai ít sử dụng năng lượng Nga nhất có thể.
Tách thị trường khí đốt châu Âu khỏi Nga sẽ là một thay đổi lớn đối với một khu vực vốn đã quá phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Siberia, đến mức gần như không có cơ sở hạ tầng cần thiết cho nguồn cung thay thế.
"Với tư cách Liên minh châu Âu (EU), chúng ta đang mua rất nhiều khí đốt và dầu của Nga. Tổng thống Putin đang thu tiền của chúng ta, của người châu Âu", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói tuần trước.
40% lượng khí đốt của EU đến từ Nga và tỷ lệ này dần tăng lên trong những năm gần đây. Khi phương Tây tìm cách gây khó khăn cho Nga bằng các biện pháp trừng phạt, EU tuần này phải trả khoảng 722 triệu USD mỗi ngày cho Moskva, theo viện nghiên cứu Bruegel. Con số này cao gấp ba lần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình", Kadri Simson, ủy viên năng lượng EU, nói với Nghị viện châu Âu hôm 3/3.
Nhưng thay thế nguồn cung khí đốt Nga là điều "nói dễ hơn làm". Nhiều kho lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà châu Âu mua từ Mỹ và Qatar đã hết sức chứa. Hai kho lưu trữ mới được chính phủ Đức phê duyệt trong tuần này sẽ được xây dựng sớm nhất trong ba năm tới.
Năng lượng tái tạo sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn để tạo ra sự khác biệt, theo các nhà phân tích. Các nhà cung cấp khí đốt gần hơn như Na Uy, Algeria và Azerbaijan không thể mở rộng đáng kể quy mô sản xuất. Những mạng lưới đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu khá chắp vá, thiếu liên kết, gây khó khăn cho phân phối các nguồn khí đốt bổ sung.
Bất kỳ lô hàng LNG vận chuyển bằng đường biển nào đều có giá cao hơn nhiều so với khí đốt qua đường ống Nga, đe dọa nền kinh tế châu Âu vốn đang vật lộn với tình trạng lạm phát. Làm đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa đông tới sẽ tiêu tốn ít nhất gần 76,5 tỷ USD theo thời giá hiện tại, trong khi những năm trước, con số này chỉ hơn 13 tỷ USD, theo Bruegel.
Điều này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải đưa ra những lựa chọn không thực sự tốt nếu nguồn cung từ Nga bị cắt, như cắt giảm khí đốt tới hộ gia đình hay sử dụng nhiều than đá hơn, đe dọa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi sẽ phải yêu cầu người dân hạn chế sử dụng máy sưởi ở nhà và các ngành công nghiệp giảm sản xuất trong một thời gian nhất định", Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại Bruegel, nói.
Trong kịch bản tệ hơn, giới phân tích cho rằng các nhà máy hóa chất, luyện kim và những cơ sở sử dụng nhiều khí đốt khác phải tạm thời đóng cửa. Điều này có thể đạt được nếu chính phủ trả tiền cho các công ty để hạn chế tiêu thụ khí đốt và điện ở một mức độ nào đó. Khí đốt và điện sẽ bị cắt luân phiên, khiến nhiều người dân châu Âu phải chịu cảnh mất điện hoặc bị ngắt hệ thống sưởi ấm.
Dù giới chức đã ca ngợi những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong nhiều năm qua, châu Âu hầu như không chuẩn bị tốt cho cuộc khủng hoảng. Đức hiện không có bất kỳ kho LNG nào. Cơ quan hệ thống truyền dẫn khí đốt của EU đã không tính kịch bản mất nguồn cung khí đốt của Nga trong các mô hình khủng hoảng hàng năm. Nga cũng là nhà cung cấp dầu thô và than đá chính của EU.
"Châu Âu nghĩ rằng an ninh năng lượng chỉ là câu chuyện của quá khứ và nó sẽ không gây ra rủi ro nữa", Tagliapietra nói.
Mức độ phụ thuộc vào khí đốt Nga ở các nước châu Âu là khác nhau. Đức, Italy cùng nhiều quốc gia Trung và Đông Âu được cho là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Nga.
Dù Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha không tiêu thụ nhiều khí đốt Nga, họ vẫn bị ảnh hưởng nếu giá năng lượng tăng vọt. Giá khí đốt châu Âu đã vượt ngưỡng kỷ lục trong tuần này, khi các nhà giao dịch phải tính toán tới tác động của nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
"Nếu Nga dừng cung cấp, giá khí đốt sẽ tăng phi mã", Martin Vladimirov, giám đốc chương trình năng lượng và khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ ở Bulgaria, nói.
Giới chức và các nhà phân tích đồng tình rằng châu Âu có thể vượt qua được hậu quả của mất nguồn cung khí đốt Nga trong mùa đông và mùa xuân năm nay. Các nhà máy nhiệt điện có thể chuyển sang dùng dầu trong vòng một một tuần hoặc lâu hơn, hệ thống sưởi ấm cũng sẽ chỉ bị gián đoạn trong thời gian ngắn.
Nhưng đến năm sau, tình hình có vẻ sẽ khó khăn hơn. Nguồn năng lượng nhập khẩu kỷ lục từ các nước khác ngoài Nga sẽ không đủ để nạp đầy kho dự trữ trước khi bước vào mùa đông tiếp theo và châu Âu có thể sẽ phải giảm nhu cầu sử dụng khí đốt, theo Bruegel.
Ngay cả khi giới chức châu Âu đảm bảo được các nguồn cung mới, họ vẫn phải đối mặt nhiều vấn đề phát sinh. Phần lớn các cơ sở chuyển đổi LNG thành khí đốt đều nằm ở Tây Ban Nha, Pháp và Anh, nhưng hệ thống ống dẫn tới Đức và sườn đông châu Âu không kết nối tốt với những nơi này. Các kho LNG ở Tây Ban Nha chỉ mới sử dụng 45% công suất, nhưng các đường ống qua dãy núi Pyrenees không thể vận chuyển khí đốt nhiều hơn và rất khó mở rộng.
Tara Connolly, một nhà vận động của tổ chức phi chính phủ Global Witness, cho rằng châu Âu cần tung ra chương trình khẩn cấp để thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
"Rõ ràng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga đã giúp Moskva có nguồn lực để hành động ở Ukraine, đồng thời cản trở những phản ứng của châu lục", Connolly nói. "Điều này cho thấy không chỉ nhiên liệu hóa thạch đang phá hủy khí hậu, chúng ta cũng đang góp phần tạo ra một thế giới nhiều biến động hơn".
Thanh Tâm (Theo WSJ, CNN)