Giá khí đốt đang tăng vọt trên toàn cầu phần lớn do nhu cầu nhiên liệu hóa thạch hồi sinh sau đại dịch Covid-19, kho dự trữ cạn kiệt và nguồn cung khó tăng vì những gián đoạn trong hai năm qua. Tuy nhiên, giá cả cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi quyết định thắt chặt nguồn cung khí đốt cho châu Âu của Nga gần đây, điều mà các chuyên gia tin rằng bắt nguồn từ những tính toán Tổng thống Putin theo đuổi ở Ukraine.
Châu Âu phụ thuộc khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên vào Nga và bất chấp nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo trong hai thập kỷ qua, tình trạng phụ thuộc càng tăng lên khi các quốc gia chuyển sang sử dụng khí đốt, tránh xa than đá. Đức đặc biệt dễ bị tổn thương vì đã đóng cửa gần như tất cả nhà máy điện hạt nhân và đặt mục tiêu loại bỏ than vào năm 2030.
Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Baltic đến Đức trị giá 11 tỷ USD của Gazprom giúp sưởi ấm 26 triệu hộ gia đình Đức, đã trở thành trọng tâm trong quan hệ ngoại giao giữa Berlin và Moskva kể từ khi nó được công bố vào năm 2015. Quá trình xây dựng đường ống dài 1.200 km đã hoàn thành hồi năm ngoái, nhưng khí đốt chưa thể chảy qua và tương lai của nó đang bấp bênh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/2 tuyên bố hoãn phê duyệt dự án nhằm phản ứng trước việc Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine. Mỹ sau đó cũng áp trừng phạt với công ty xây dựng đường ống.
Mối lo ngại rằng Nga đang sử dụng nguồn cung cấp khí đốt như một vũ khí nhằm đạt được các mục tiêu chính trị là có cơ sở, giới chuyên gia đánh giá. Fatih Birol, giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lưu ý quyết định giảm 25% nguồn cung khí đốt cho châu Âu được Nga đưa ra vào đúng thời điểm căng thẳng Ukraine leo thang lên mức chưa từng có. "Tôi hy vọng đây chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên", ông nói.
Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có một cuộc chiến khác nổ ra vì nhiên liệu hóa thạch? Theo giới quan sát, nguồn năng lượng không phải trọng tâm của cuộc xung đột Ukraine hiện nay. Tuy nhiên, nó lại có tác động rất lớn tới ngành năng lượng.
Song trong dài hạn, khi châu Âu tự loại bỏ được khí đốt và hiện thực hóa mục tiêu không phát thải ròng, lợi thế của "vũ khí khí đốt" chính trị này sẽ nhanh chóng suy giảm.
4 trong 10 vấn đề liên quan đến ngân sách liên bang Nga trước đại dịch đến từ dầu mỏ và khí đốt, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của Nga trong năm 2019. Vì thế, các chiến lược gia Điện Kremlin nhận thức rõ ràng rằng trong dài hạn, việc toàn cầu giảm phát thải ròng xuống 0 sẽ đe dọa toàn bộ nền tảng kinh tế Nga cũng như ảnh hưởng toàn cầu của Moskva.
Phát thải ròng bằng 0 nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại được rừng và đại dương hấp thụ.
Trong lịch sử, châu Âu phụ thuộc chủ yếu vào than để cung cấp điện và sưởi ấm. Sản lượng năng lượng tái tạo đã tăng hơn hai lần kể từ năm 2004, tuy nhiên, cùng lúc tỷ trọng điện được tạo ra từ năng lượng hạt nhân cũng giảm, từ khoảng 1/3 lượng điện của EU vào năm 1995 xuống còn khoảng 1/4 ngày nay.
Điều này đã làm tăng nhu cầu khí đốt ở các quốc gia châu Âu đang trên đường từ bỏ than đá và giảm phát thải, qua đó khiến họ thêm phụ thuộc vào Nga.
Các tác động địa chính trị của tình trạng phụ thuộc khí đốt của châu Âu vào Nga hiện không thể đoán trước được.
"Trước cuộc khủng hoảng hiện nay, Đức và EU cần nhận ra rằng phụ thuộc vào khí đốt Nga là cơn ác mộng địa chính trị cũng như khí hậu mà họ cần thức tỉnh", Paul Bledsoe, cựu cố vấn Nhà Trắng, hiện làm việc tại Viện Chính sách Tiến bộ, trụ sở ở Washington DC, bình luận. "Giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt Nga là mục tiêu khí hậu và mệnh lệnh đạo đức mà EU cần ưu tiên".
Một câu hỏi khác đặt ra là liệu Nga có ngắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu trước áp lực không và nếu có, phương Tây sẽ đối phó như thế nào?
Đây sẽ là một nước đi cần tính toán rất kỹ từ Nga. Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu, hành động này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, với cả EU lẫn chính nước này.
"Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt, nó có thể gây nên một cơn địa chấn đối với năng lượng châu Âu. Nga nên nghĩ đến hậu quả nếu nguồn cung dầu và khí đốt tới châu Âu bị ngừng lại", Birol nói hồi đầu tháng, trước khi Moskva bị áp vòng trừng phạt mới nhất. "Việc không duy trì nguồn cung sẽ khiến Nga bị mất uy tín. Nga sẽ bị coi là mối đe dọa và điều này sẽ tạo ra những hệ quả sâu rộng đối với các nền kinh tế châu Âu, nhưng hậu quả đối với Nga thậm chí còn nặng nề hơn. Châu Âu giờ đây sẽ kiên quyết chọn chiến lược tách rời khỏi Nga", ông cho biết thêm.
Xung đột ở Ukraine vẫn có thể được hóa giải bằng các biện pháp ngoại giao và khu vực vẫn có khả năng quay lại thời kỳ đình chiến như trước. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thế giới vẫn cần thận trọng trước vũ khí năng lượng của Nga.
Phương Tây "cần có những biện pháp trừng phạt cứng rắn để thay đổi các tính toán ở Moskva", Rachel Kyte, hiệu trưởng Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, Mỹ, cho hay. "Tổng thống Putin tin rằng ông có tấm lá chắn chống trừng phạt mạnh mẽ nhất, nhưng Nga cũng kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu, khí đốt, khoáng sản cùng các sản phẩm tinh chế khác".
"Từ bỏ chúng càng nhanh càng tốt là con đường phương Tây phải đi. Thực tế, nhận thức về tác động của quá trình khử carbon đối với xuất khẩu năng lượng Nga trong trung và dài hạn có thể là một yếu tố khiến ông Putin quyết định tiến công vào Ukraine", bà nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)