"Tôi có một chị bạn rất hay đem con ra để so kè, ganh đua với con nhà người khác: từ chiều cao, cân nặng, cho tới điểm số, học trường gì... Nói chuyện với chị, tôi thấy ngao ngán vì quanh đi quẩn lại chỉ có một 'vũ trụ con cái'.
Chị cho con ăn cháo, ăn bột tới nỗi đứa bé nôn ói hết ra. Nhưng chị không dừng lại mà tức tốc đi nấu một nồi khác và tiếp tục ép con ăn bù. Cả gia đình chị gồm ba người lớn cứ thay nhau bế đứa trẻ đi khắp phố để bón ăn cho bằng được. Với chị, có lẽ việc cho con ăn là cả một 'sự nghiệp'.
Thực ra, trẻ đã ói ra tức là không thể ăn thêm được nữa. Vì lúc đấy não bộ đã nhận tín hiệu rằng cơ thể quá no rồi. Chưa kể, mới nôn xong miệng cũng rất hôi, không ai ăn lại ngay được. Thế nhưng, bỏ ngoài tai tất cả, chị chỉ coi sữa, váng sữa nhập ngoại là đẳng cấp, và ép con ăn miết.
Rồi đến một ngày, con chị được xác định là thừa cân nặng. Vậy là chị lại 'vắt chân lên cổ' ép con đi học bơi để giảm cân. Nói chung, tôi thấy con của chị đúng là chỉ có mỗi việc ăn với học nhưng cũng đầm đìa nước mắt".
Đó là chia sẻ của độc giả Minh Phương về chuyện nuôi con của nhiều cha mẹ ngày nay. Xuất phát từ quan niệm truyền thống thích con bụ bẫm, một số phụ huynh dù biết rõ nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính, nhưng vẫn ép con ăn, lựa chọn thực phẩm giàu chất béo vì tin rằng nó giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao nhanh chóng. Nhiều người mong con béo vì nghĩ con mình quá gầy, suy dinh dưỡng, trong khi về cân nặng trẻ hoàn toàn bình thường.
>> 'Con còn bé, đã biết gì đâu'
Đồng cảm với câu chuyện trên, bạn đọc Việt Nam lấy dẫn chứng từ chính trường hợp của bản thân mình: "Con tôi tuy gầy nhưng đi khám sức khỏe, bác sĩ vẫn ghi nhận là 'phát triển bình thường, không phải suy dinh dưỡng'. Bé 10 tuổi, nặng 26 kg, chân tay khẳng khưu nhưng tôi vẫn tự hào vì con rất ít khi ốm, kể cả cảm sốt bình thường.
Ngày con còn bé, nói thật tôi cũng rất đau đầu, sốt ruột vì con mình thường xuyên bị đem ra so sánh với con nhà người ta. Nhưng tôi xác định không thể ép con ăn được. Con tôi vốn tính kén ăn, món nào thích mới ăn, còn không thích là ọe. Ép quá cũng không được nên tôi quyết định mặc kệ, chỉ cố gắng chế biến các món con thích để con ăn nhiều hơn mà thôi.
Tôi cũng bỏ luôn việc so sánh con nhà người ta thế này, thế kia đi cho nhẹ đầu. Vả lại, bản thân vợ chồng tôi từ bé cũng thuộc tạng người gầy đét, chồng tôi khi lấy vợ cũng chỉ nặng có 60 kg, cao 1,74 m, còn tôi cao 1,55 m, nặng 45 kg. Vậy thì là sao chúng tôi đòi hỏi con phải mập mạp được?".
Cũng chịu nhiều áp lực nuôi con khi vấp phải những so sánh của người xung quanh, độc giả Người Nhà Quê bình luận: "Nhà tôi cũng từng khổ sở với hai bà nội - ngoại về chuyện nuôi con. Tôi cho vợ quyết định thời điểm cai sữa, cho con ăn dặm từ tháng thứ sáu, nhưng vẫn duy trì cho bé bú mẹ đến hai tuổi.
Tuy nhiên, hai bên gia đình ra sức kêu ca, phàn nàn vì con tôi chỉ dong dỏng, không bụ bẫm. Trong khi đó, con nhà hàng xóm ăn ngoài từ sớm nên nhìn mập mạp hơn hẳn. Nhưng với tôi, con 3,5 tuổi cao 1,1 m và nặng 18 kg là bình thường. Thậm chí mấy đứa trẻ hàng xóm nhìn mập mạp hơn nhưng lại nhẹ cân hơn. Đem chuyện này nói với hai bên nội, ngoại, tôi mới được nhẹ đầu".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Con nhà người ta
- Nuôi con bằng điện thoại, fastfood
- Nuôi con vất vả trong thời buổi 'lười đẻ'
- Những ông bà sợ cảnh chăm cháu
- Nhiều cha mẹ thích kể công nuôi con
- Tài sản 10 tỷ đồng vẫn lo chưa đủ nuôi con