Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 9/6 yêu cầu Mỹ giải thích lý do không gây sức ép buộc Trung Quốc rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough hồi năm 2012 theo thỏa thuận do nước này làm trung gian, cảnh báo sẽ hủy Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) nếu không nhận được câu trả lời.
"VFA là một vấn đề. Chúng ta rút khỏi thỏa thuận này vì Mỹ đứng ra thu xếp nó. Tại sao họ không hối thúc Trung Quốc rút tàu? Tôi sẽ chỉ thảo luận với Mỹ về các lực lượng nước ngoài tới Philippines thăm viếng nếu họ có thể giải thích điều này theo cách đơn giản", Duterte tuyên bố.
Duterte cho rằng "người Mỹ đang thực sự coi thường chúng ta" và đe dọa sẽ hủy VFA, thỏa thuận quân sự tạo khung pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines để họ có thể tiến hành các cuộc diễn tập chung, cho đến khi nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Washington.
VFA có hiệu lực từ năm 1999, giúp lính Mỹ không phải chấp hành những yêu cầu về hộ chiếu và thị thực tại Philippines khi tới nước này diễn tập, đồng thời cho phép Washington duy trì quyền xét xử với binh sĩ Mỹ phạm pháp tại nước này, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Tổng thống Philippines hồi tháng 2/2020 tuyên bố hủy VFA nhưng chưa thực thi quyết định, sau đó liên tục dọa không nối lại thỏa thuận với Mỹ. Nhiều quan chức chính quyền Philippines cảnh báo biện pháp này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ, cũng như làm lạnh nhạt quan hệ kinh tế song phương.
Tranh chấp bãi cạn Scarborough, đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi trên Biển Đông, cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km, diễn ra từ năm 2012, thời điểm Philippines còn kiểm soát thực thể này.
Ngày 8/4/2012, máy bay tuần thám Philippines phát hiện nhóm 12 tàu cá Trung Quốc thả neo quanh bãi cạn. Hai ngày sau, tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar của hải quân Philippines đến Scarborough và triển khai lực lượng để tiếp cận, bắt ngư dân Trung Quốc.
Bắc Kinh lập tức cáo buộc Manila "quân sự hóa tranh chấp" vì sử dụng tàu chiến cho hoạt động thực thi pháp luật, lấy đó làm cớ triển khai 3 tàu hải giám ngăn Philippines bắt ngư dân.
Trung Quốc yêu cầu Philippines lập tức rút lui, nhanh chóng khiến căng thẳng leo thang bằng cách dàn đội hình lấn át số lượng tàu Philippines đang tới giải cứu chiến hạm Gregorio del Pilar. Tàu hải giám Trung Quốc cũng phối hợp với dân quân biển để dựng hàng rào dây thừng quanh bãi cạn Scarborough, khiến các ngư dân Philippines bị kẹt bên trong không thể thoát được ra ngoài.
Căng thẳng ngày càng gia tăng, trong khi các kênh ngoại giao truyền thống không đem lại hiệu quả. Những nỗ lực nhằm thiết lập các kênh liên lạc hậu trường đáng tin cậy giữa Manila và Bắc Kinh cũng thất bại.
Khi chính phủ Philippines và Trung Quốc không thể nói chuyện với nhau, họ tìm tới Mỹ như một "trọng tài". Sau nhiều tuần nhóm họp, thảo luận và đàm phán, với vai trò trung gian, các quan chức Mỹ giữa tháng 6/2012 đã giúp xây dựng một thỏa thuận mà theo đó hai bên sẽ cùng rút khỏi khu vực tranh chấp.
Thực hiện thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, Philippines rút tàu của mình khỏi bãi cạn Scarborough với lý do tránh bão vào ngày 15/6/2012, chấm dứt 10 tuần đối đầu. Thế nhưng, Trung Quốc không tuân thủ hạn chót mà thỏa thuận đề ra, vẫn duy trì các tàu hải giám tại khu vực.
Mỹ lúc đó không có bất cứ hành động trên thực tế để buộc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận, trong khi tàu Philippines không thể quay lại bãi cạn Scarborough do bị Trung Quốc lấn át về số lượng. Đây được coi là một sai lầm lớn của Philippines, khiến họ đánh mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là nhiều lần tìm cách cải tạo, bồi đắp bãi cạn Scarborough kể từ khi kiểm soát thực thể này. Tuy nhiên, cả Mỹ và Philippines đều đưa ra những phản ứng quyết liệt và thông điệp răn đe mạnh mẽ, khiến Trung Quốc chưa thể thực hiện được ý đồ này.
Vũ Anh (Theo CNN Philippines)