Trong cuộc họp ngày 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói với Tổng thống Rodrigo Duterte rằng Philippines đang triển khai hai tàu công vụ tại khu vực Biển Đông. Các tàu này đi quanh đá Vành Khăn và cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Tôi muốn thông báo với Trung Quốc rằng ngày 2/5, hai tàu của chúng tôi tại đó. Tôi sẽ không rút tàu. Các tàu của Philippines sẽ không lùi lại một cm nào", Tổng thống Duterte nói. "Tôi sẽ không rút lui. Nếu các người muốn sát hại, tôi sẽ chờ tại đây. Đó là lúc tình bạn chúng ta kết thúc".
Sứ quán Trung Quốc tại Manila hiện chưa bình luận về thông tin của Duterte.
Trung Quốc cùng Philippines nêu yêu sách chủ quyền và chiếm đóng trái phép một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường 9 đoạn" và nêu yêu sách với gần 90% diện tích Biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 bác tuyên bố "chủ quyền lịch sử" mà Trung Quốc dùng để đòi "đường 9 đoạn". Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận phán quyết này.
Tổng thống Duterte củng cố quan hệ thân thiện giữa Philippines với Trung Quốc sau khi nắm quyền năm 2016, thậm chí bỏ qua phán quyết của PCA để đổi lấy các khoản viện trợ kinh tế và đầu tư từ Bắc Kinh. "Tôi không muốn chiến tranh với Trung Quốc, đó là điều tôi ghét nhất. Tôi nhắc lại là chúng ta mang món nợ ân tình rất lớn", Duterte nói.
Căng thẳng tại Biển Đông leo thang từ hồi đầu tháng 3 khi hơn 200 tàu Trung Quốc từ ngày 7/3 neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Các tàu Trung Quốc sau đó tỏa đi những khu vực khác trong quần đảo Trường Sa rồi rút về.
Philippines cho rằng các tàu cá trên do "dân quân biển Trung Quốc" điều khiển. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, cho biết đây là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu, bất chấp các tàu này nhiều ngày neo đậu trong khu vực và không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.
Lực lượng tuần tra thuộc nhóm chuyên trách Biển Đông của Philippines cho biết tính tới ngày 9/5, tổng cộng 287 tàu Trung Quốc đang hiện diện gần quần đảo Trường Sa, trong đó các cụm tàu lớn hơn xuất hiện tại các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở khu vực này.
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát những diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/5, khi được hỏi về thông tin gần 300 tàu Trung Quốc đang hiện diện ở Trường Sa.
Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. "Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS", bà Hằng nói thêm.
Nguyễn Tiến (Theo ABS-CBN)