"Đây là mệnh lệnh của tôi đối với nội các, tới tất cả thành viên và những câu chuyện lặt vặt về chính phủ, không được thảo luận về Biển Đông với bất cứ ai. Nếu chúng ta có bàn về vấn đề này, chúng ta sẽ chỉ thảo luận nội bộ", Tổng thống Philippnes Rodrigo Duterte phát biểu trên truyền hình nhà nước hôm 17/5.
Tuyên bố của Duterte được đưa ra trong bối cảnh nội các nước này có nhiều phát ngôn bất đồng về việc hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực bãi Ba Đầu, trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hồi đầu tháng viết thông điệp đầy giận dữ trên Twitter, trong đó có cả câu chửi thề, yêu cầu Trung Quốc "lập tức cút xéo" khỏi Biển Đông.
Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, sau đó lập tức tuyên bố Ngoại trưởng Locsin đã được yêu cầu tránh dùng từ ngữ thái quá khi phát ngôn, đặc biệt là về chính sách đối ngoại.
Tổng thống Duterte khi ấy còn khẳng định "Trung Quốc vẫn là ân nhân". "Chúng tôi có mâu thuẫn với Trung Quốc không đồng nghĩa chúng tôi phải thô lỗ và thiếu tôn trọng", ông nói.
Căng thẳng tại Biển Đông leo thang từ hồi đầu tháng ba khi hơn 200 tàu Trung Quốc từ ngày 7/3 neo đậu tại bãi Ba Đầu. Philippines cho rằng các tàu cá trên do "dân quân biển Trung Quốc" điều khiển. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, cho biết đây là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu, bất chấp các tàu này nhiều ngày neo đậu trong khu vực và không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.
Lực lượng tuần tra thuộc nhóm chuyên trách Biển Đông của Philippines cho biết tính tới ngày 9/5, tổng cộng 287 tàu Trung Quốc đang hiện diện gần quần đảo Trường Sa, trong đó các cụm tàu lớn hơn xuất hiện tại các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở khu vực này.
Chính quyền của Tổng thống Duterte phần lớn theo đuổi quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc để đổi lấy những khoản đầu tư, viện trợ và cho vay hàng tỷ USD. Ông coi Trung Quốc là "một người bạn tốt", "ân nhân", nhưng cũng nhấn mạnh "có những điều không thể thỏa hiệp".
Ngọc Ánh (Theo Reuters)