"Họ nộp đơn kiện. Chúng ta thắng. Nhưng văn bản đó trên thực tế giữa các quốc gia chẳng là gì cả", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trên truyền hình ngày 5/5. "Đưa phán quyết đó cho tôi. Tôi sẽ nói rằng đó chỉ là giấy lộn và tôi sẽ vứt vào sọt rác".
Năm 2013, chính quyền Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Duterte, nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), cho rằng "đường chín đoạn" do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ.
PCA tháng 7/2016 ra phán quyết, tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, phán quyết của PCA không có cơ chế thi hành.
Trung Quốc từng nhiều lần bác bỏ phán quyết này. Duterte năm 2019 cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị trao cho Philippines cổ phần lớn trong liên doanh khai thác khí đốt ở Biển Đông nếu Manila "quên" phán quyết năm 2016 của PCA.
Tổng thống Philippines từng thể hiện quan điểm mâu thuẫn về phán quyết của PCA. Năm 2018, chính phủ của ông cho rằng phán quyết này "vô dụng" vì không có khả năng thực thi. Một năm sau, Duterte tuyên bố không từ bỏ phán quyết và sẽ tìm kiếm cơ chế thực thi.
Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp khi hơn 200 tàu Trung Quốc từ ngày 7/3 neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Các tàu Trung Quốc sau đó tỏa đi những khu vực khác trong quần đảo Trường Sa rồi rút về.
Philippines cho rằng các tàu cá trên do "dân quân biển Trung Quốc" điều khiển. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, cho biết đây là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu, bất chấp các tàu này nhiều ngày neo đậu trong khu vực và không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.
Giới chức Philippines ngày 4/5 tuyên bố bác lệnh cấm đánh bắt vào mùa hè hàng năm do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông. Philippines khuyến khích ngư dân khai thác hải sản trong vùng biển nước này tuyên bố thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của họ.
Lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp do Trung Quốc áp đặt từ năm 1999, bao gồm các khu vực của Biển Đông cũng như các vùng biển khác ngoài khơi Trung Quốc. Trung Quốc tuần trước tuyên bố sẽ thực thi lệnh cấm đánh bắt cá từ 1/5 đến 16/9, áp dụng tại khu vực Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía bắc vĩ độ 12 trên Biển Đông, trong đó gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/4 khẳng định lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố vi phạm luật quốc tế và quyền tài phán của quốc gia.
Quy chế cấm đánh bắt đơn phương của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nguyễn Tiến (Theo Inquirer)