Ba năm trước, chú tư của tôi vừa thu hoạch vườn trái cây xong đã gom tiền mua một chiếc ôtô với giá hơn 600 triệu đồng. Chú tư là em ruột của ba tôi, năm nay mới ngoài 40 tuổi nên tình yêu với xe cộ còn khá nồng nàn.
Nói về việc ước mơ được sở hữu và cầm vô lăng ôtô, chú tư của tôi nói đã ước mơ từ khá lâu. Gia đình bên nội tôi và chú tư thuộc hàng khá giả, có của ăn của để, có thể xuống tiền mua ôtô mà không cần trả góp.
Nhưng éo le thay, phần đất ở và ruộng vườn của họ đều ở phía bên kia con sông nhỏ. Chú tư tôi nói nếu nhà nằm ở mặt tiền đường lộ lớn, thì đã mua từ lâu rồi. Chú chờ đến khi cây cầu dây văng nhỏ bắc qua con sông trước nhà hoàn thành thì mới tự tin đi mua ôtô. Từ ngày có cây cầu này và đường liên huyện được đổ bê tông rộng hơn trước, tôi thấy ôtô chạy dập dìu ở xóm bên kia sông.
>> Người Việt tự ngáng chân 'giấc mơ ôtô'
Lúc trước, khi chưa có cầu và làn đường rộng, một số gia đình cũng có ôtô nhưng phải tốn thêm tiền thuê đất, cất nhà xe vì không thể đánh lái về tận nhà. Nói là con đường được làm rộng ra nhưng thực chất chỉ vừa đủ cho một chiếc ôtô. Vậy nên xe máy, xe đạp đều phải nép sang một bên.
Trong bài viết gần 12.000 ôtô đăng ký trước bạ một ngày, có một bình luận là tôi cảm thấy rất tâm đắc đó là: "Con đường vẫn thế, nhiều xe đổ ra đường chỉ làm chúng kìm chân nhau lại thôi".
Một số người hay tự vấn khi nào thì mỗi gia đình Việt có một chiếc ôtô, hoặc xem tỷ lệ sở hữu ôtô trên mỗi gia đình là một biểu hiện cho sự giàu có. Nhưng tôi không nghĩ thế. Thực ra trong mấy chục năm qua, phần đông người Việt đều đã làm ăn, tích luỹ và có chút của ăn của để. Nhưng họ vẫn "trung thành" một cách bất đắc dĩ với xe máy, không mua ôtô vì đường sá không ủng hộ, giống như trường hợp chú tư của tôi.
>>Năm năm tiết kiệm tiền không đi chơi lễ, vợ chồng tôi mua ôtô
Đó là ở nông thôn. Còn ở các thành thị lớn, làn đường vẫn còn nhỏ, hẹp. Bây giờ xe máy nhỏ gọn, linh động còn kẹt và chen chúc nhau đi, nếu ai cũng vác ôtô ra đường thì tôi e là 7h sáng đi làm thì 10h mới tới được công ty. Vả lại, không phải công ty nào cũng có đủ hầm xe cho nhân viên.
Theo tôi, tương lai giao thông của ta bắt buộc phải là giao thông công cộng. Và bây giờ, rất mong các nhà quản lý cần có hướng quy hoạch, khởi công và tăng tốc xây dựng các dự án giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bởi những quy hoạch, đường xá, xây dựng công trình chung cư, công sở...vốn không cho phép quá nhiều ôtô cá nhân. Nếu một ngày nào đó người Việt bỏ xe máy thì chỉ có lựa chọn là giao thông công cộng và hạn chế bùng nổ xe cá nhân.
Hoàng Vũ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.