Liên danh tư vấn lập gồm 7 đơn vị, trong đó Đại học Kinh tế quốc dân đứng đầu, vừa đưa ra 10 ý tưởng đóng góp cho đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, khu vực ven sông Hồng được định hướng thành trục kinh doanh dịch vụ trung tâm của Thủ đô, tương tự "thành phố nổi". Mặt bằng bãi sông Hồng được tạo thành hình ruộng bậc thang và mực nước dâng. Mùa cạn, các diện tích mặt bằng sẽ sử dụng làm bãi đỗ xe, nơi hoạt động thể thao, kinh doanh dịch vụ và khi nước dâng trở thành dòng chảy.
Đánh giá về ý tưởng này, độc giả L lo ngại: "Lấn chiếm dòng chảy bằng công trình xây dựng sẽ ảnh hưởng hệ sinh thái của sông. Sông Hồng có phù sa, thu hẹp dòng chảy bây giờ thì sau này sẽ phải nghĩ đến vấn đề nạo vét. Ý tưởng xây dựng bãi giữ xe mùa nước cạn, còn khi nước dâng thành dòng chảy, tôi thấy không ổn. Có ai nghĩ đến nước rút thì trên bãi ngoài bùn tanh ra sẽ có rong rêu, rác thải, và cả những thứ không nên xuất hiện không?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Jemisha không ủng hộ ý tưởng tạo hình ruộng bậc thang trên sông Hồng: "Đồng bằng nên dùng những kiến trúc, nét văn hoá đặc trưng của đồng bằng chứ không thể sao chép văn hóa vùng cao bằng cách đưa ruộng bậc thang về xuôi được. Kể cả chỉ là mô phỏng. Hãy bình tĩnh và thấu đáo, nghĩ cho tương lai, không chất thêm công trình vào nội đô".
Dưới góc độ hiệu quả kinh tế, độc giả Pham Quang Vinh cho rằng: "Tất cả chúng ta đều mong muốn xây dựng một Thủ đô phồn thịnh với nhiều công trình kiến trúc sinh động, tạo điểm nhấn hấp dẫn... Ý tưởng và đề xuất về một dự án táo bạo 'thành phố nổi' ven sông Hồng rất đáng để chúng ta quan tâm. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, đề xuất này không khả thi vì đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của thành phố sẽ rất tốn kém. Với địa chất phức tạp, nhiều mạch nước ngầm phía dưới nên việc xây dựng các công trình cao tầng hay các công trình ngầm dọc theo hai bên dòng sông này sẽ tăng suất đầu tư lên tới cả chục lần so với những khu vực khác".
>> Chờ đợi thành phố hai bên sông Hồng từ đời ông đến đời cháu
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Hải Hòa ủng hộ ý tưởng "thành phố nổi" ven sông Hồng: "Bản thân tôi thấy đề xuất quy hoạch cảnh quan ven sông Hồng như thế này rất hay. Về cơ bản, đề xuất này là một phần nhỏ trong 10 ý tưởng đóng góp Quy hoạch thành phố Hà Nội đến năm 2050 thôi, nên ắt hẳn họ đã phải tính toán rất kỹ về tất cả các phương án để có thể cải thiện được các tình trạng hiện tại của Thủ đô.
Hơn nữa, nhìn về mặt tích cực, đề xuất này sẽ mang lại một diện mạo mới cho sông Hồng, làm tăng giá trị của sông ít nhất về mặt kinh tế và văn hóa. Hiện tại, mọi người cũng thấy rõ tình trạng hai bên sông đang rất tệ, nên việc quy hoạch xây dựng 'thành phố nổi' sẽ giúp sắp xếp lại không gian cảnh quan hai bên sông Hồng. Còn về văn hóa , 60 ngày đêm là một dấu ấn quá đỗi tự hào của những người dân Thủ đô, vậy tại sao không thể hiện nó ra rộng rãi hơn với khách du lịch cả trong và ngoài nước?
Tả ngạn phát triển các cảnh quan hùng vĩ của đất nước thì càng góp phần phát triển du lịch cho cả thủ đô và các địa phương trên toàn Việt Nam. Khách du lịch sẽ được tiếp cận và biết đến nhiều hơn các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam, từ đó mới có hứng thú để tìm hiểu và trải nghiệm. Tôi nghĩ đây là một cơ hội khá tốt để quảng bá hình ảnh của đất nước. Tóm lại, tôi ủng hộ ý tưởng này".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Tran Quyet Tien bổ sung: "Vấn đề 'thành phổ nổi' rất có ý nghĩa về du lịch vì dòng sông Hồng sẽ rất lãng phí nếu không được khai thác. Hiện nay, các nước trên thế giới đều khai thác du lịch sông nhưng Hà Nội lại chưa làm được điều này. Hơn nữa, việc xây dựng và cảnh quan phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường, cần phải có quy định triệt để vì tình trạng ngang nhiên xả rác ra sông, hồ vẫn rất nghiêm trọng".
"Cần sớm quy hoạch và xây dựng đô thị hai bên sông Hồng, đó là vùng đất tuyệt vời để ghi dấu ấn Thủ đô. Thiên nhiên ưu đãi mới có con sông chảy qua thủ đô như vậy mà chúng ta để lãng phí, nhếch nhác bao nhiêu năm qua. Cứ hết thông báo quy hoạch lần này lại đến lần khác mà sao không làm triệt để luôn?", bạn đọc Hiep Duc kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.