Tôi đọc nhiều bài các anh chị trung niên than thở không tìm được việc làm tôi nhớ đến dạo trước có đợt nhiều bài viết từ các nhà tuyển dụng chê bai đại học không biết đào tạo, sinh viên mới ra trường không biết làm việc, nhân viên lớn tuổi thái độ không tốt...
Tôi thấy cả hai đều có một căn bệnh như nhau: Không đủ khách quan khi xem xét mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Công ty hoạt động vì lợi nhuận. Nhân viên làm việc vì lương và phúc lợi, đừng đặt tình cảm vào đây. Không có lý do gì để công ty trả lương cao hơn cho người mang lại giá trị kém hơn, và không có lý do để nhân viên chọn một công ty phúc lợi kém hơn cho một công việc như nhau.
>> 'Ác mộng' thất nghiệp khi 35 tuổi chưa lên làm sếp
Điều quan trọng cho cả nhân viên và công ty là tìm đúng vị trí của mình, và biết giá trị của mình ở mức nào so với xã hội. Thị trường lao động hoạt động theo cơ chế cung - cầu. Hợp đồng lao động là thuận mua vừa bán, nếu không hài lòng với giá trị mình nhận được thì chia tay.
Nếu không tìm được việc, chứng tỏ mình đang yêu cầu quá cao so với giá trị mình mang lại, vậy phải hạ mức lương kỳ vọng xuống hoặc tăng năng lực của mình lên.
Nếu công ty không tuyển được nhân viên hài lòng, chứng tỏ phúc lợi đưa ra không phù hợp yêu cầu, phải tăng lương lên hoặc hạ yêu cầu xuống.
Còn phàn nàn là điều vô ích, nó chỉ dành cho những người muốn dành phần lợi hơn về phía mình mà thôi. Thị trường đầy rẫy người tài và công ty tốt. Nếu anh chỉ toàn gặp những nhân viên kém cỏi hoặc những công việc lương thấp, vậy chứng tỏ tầm của anh không xứng với nhân tài hay một công ty tốt hơn mà thôi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.