Tuổi nghỉ hưu cần xét trên rất nhiều khía cạnh. Thứ nhất, nghỉ hưu về bản chất là "dừng việc đóng bảo hiểm xã hội" và nhận phần lương hưu sau những gì đã cống hiến. Nghĩa là người về hưu có thể không cần "ngừng" lao động, chỉ cần ngừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) mà thôi.
Tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp, nghỉ hưu thì người lao động cũng nghỉ luôn. Và đương nhiên khi trong một guồng quay lao động thì việc nghỉ hưu để lại tâm lý "trống trải" là chuyện dễ hiểu.
Tôi vẫn gặp những cô giáo đã nghỉ hưu đi dạy, hoàn toàn được. Nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn có thể thuê người nghỉ hưu để làm việc, thậm chí đỡ được chi phí BHXH.
Thứ hai là vấn đề lao động. Nếu tiếp tục có cơ cấu và mô hình lao động như bây giờ, quả thật tuổi nghỉ hưu mà dài ra, thì sẽ không có nhiều chỗ trống cho người trẻ lấp vào. Phần này chính thầy dạy kinh tế của tôi đã từng nói với đồng nghiệp khi tư vấn chính sách.
Đặc biệt trong thời đại hỗn mang và công nghệ lên ngôi này, không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải đối mặt với việc kiến tạo việc làm mới thay cho nhóm việc làm cũ đã được máy móc thay thế.
Và nếu thế thì bài toán ở đây sẽ là vấn đề đào tạo nhân sự chất lượng cao dành cho nhóm công việc mới. Với lượng kiến thức mới khổng lồ như vậy, người già hơn không biết có tiếp thu được và tiếp thu kịp không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.