Giả định: nếu tôi 19 tuổi vào đại học thì năm 23 tuổi tốt nghiệp. Sau một năm tôi xin được việc làm thì lúc đó tôi 24 tuổi. Sau 35 năm làm việc tôi gần 60 tuổi. Theo tính toán hiện nay tuổi thọ trung bình của nam là 72 tuổi, nếu tăng tuổi hưu lên 65 thì tôi chỉ hưởng lương hưu chưa đến 10 năm.
Thứ nhất: Điều kiện thu nhập, sức khỏe và phúc lợi, an sinh xã hội của ta còn thấp, tuổi nghỉ hưu của ta là khá cao, làm việc sẽ kém hiệu quả. Chúng ta không thể so sánh tuổi về hưu của Việt Nam với một số nước phát triển trên thế giới, bởi họ có cuộc sống tốt hơn (thu nhập, tuổi thọ, chế độ an sinh xã hội) hơn hẳn chúng ta.
Thứ hai: tuổi trẻ hiện nay có điều kiện học hành, sức khỏe tốt, đáp ứng nhiều điều kiện xã hội trong khi tình trạng thất nghiệp vẫn còn nhiều, thậm chí phải xuất khẩu lao động ra nước ngoài để kiếm việc làm.
Thứ ba: Tình trạng lao động phổ thông vẫn chiếm đại đa số trong tổng lao động xã hội. Những lao động này chủ yếu sử dụng sức lao động chân tay, cơ bắp, thu nhập thấp phải lao động tăng ca mới đủ trang trải cuộc sống... Vì vậy tuổi thọ sẽ giảm nhanh chóng cùng với thời gian lao động mưu sinh.
Thứ tư: Yêu cầu tăng tuổi về hưu chỉ đáp ứng một thiểu số lao động trí thức. Trong khi đó chúng ta đã có quy định những người làm công tác quản lý có tài, tùy theo trường hợp sẽ được đơn vị hợp đồng làm việc khi có quyết định nghỉ hưu và đương nhiên ngoài tiền lương hợp đồng còn có lương hưu. Vì vậy, nếu tăng tuổi hưu chỉ cốt để giải bài toán khó về quỹ bảo hiểm xã hội thì các nhà chức trách cần nên xem xét sao cho thấu tình, đạt lý để chế độ an sinh xã hội dành cho người làm công ăn lương hợp lý nhất, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, bền vững.
* Quan điểm của bạn thế nào? Gửi ý kiến vào comment phía dưới, hoặc chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
>> Xem thêm: 'Tăng tuổi nghỉ hưu để cân bằng quỹ Bảo hiểm Xã hội là không hợp lý'