"Phía Đức còn do dự rất nhiều trong chuyển giao vũ khí cho chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói trong cuộc phỏng vấn được WSJ đăng ngày 21/1, sau khi có thông tin Berlin ngăn Estonia, một đồng minh trong khối NATO, chuyển vũ khí cho Ukraine.
Một phát ngôn viên chính phủ Đức sau đó xác nhận thông tin này, cho biết quyết định trên xuất phát từ chính sách lâu đời của Berlin. "Nguyên tắc quản lý xuất khẩu vũ khí luôn giống nhau, dù chúng được Đức cung cấp trực tiếp hay đến từ nước thứ ba. Chưa có quyết định cấp phép vũ khí nào được cấp trong giai đoạn này", phát ngôn viên cho biết.
Thông tin được công bố trong bối cảnh Estonia đang vận động Đức thay đổi quyết định để có thể chuyển lựu pháo D-30 cho Ukraine. Số lựu pháo này vốn được Liên Xô sản xuất và chuyển cho Đông Đức. Sau khi Đức thống nhất năm 1990, Berlin xuất khẩu số pháo trên sang Phần Lan và Estonia.
Để có thể cung cấp số pháo này cho Ukraine, Estonia sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu vũ khí từ Đức. Không giống các thành viên NATO khác như Mỹ và Anh, Đức từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm tránh gây thêm căng thẳng với Nga, cũng như viện lý do Đức Quốc xã từng thực hiện nhiều tội ác ở khu vực này trong Thế chiến II.
Mỹ trong năm 2021 cung cấp hơn 400 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Số vũ khí được Mỹ chuyển cho Ukraine từ năm 2014 bao gồm tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin, tàu tuần tra, vũ khí cá nhân, đạn và nhiều loại trang thiết bị khác.
"Mọi người biết rõ về lập trường hạn chế của chúng tôi và điều này có nguồn gốc từ lịch sử", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết khi đến thăm Kiev, Ukraine trong tuần này.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Quân đội Ukraine hồi đầu tuần nhận định Nga đang duy trì 127.000 binh sĩ và nhiều lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander ở biên giới, cho biết nhiều khu vực trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev, đều nằm trong tầm bắn tên lửa Nga.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ)