Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov dự kiến diễn ra hôm nay tại Geneva, Thụy Sĩ, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Ukraine tăng cao chưa từng thấy.
Giới chức Mỹ và các đồng minh NATO lo ngại một cuộc chiến tổng lực sẽ nổ ra, khi Nga tập trung khoảng 100.000 quân cùng nhiều khí tài hạng nặng sát biên giới Ukraine. Nga liên tục phủ nhận mọi cáo buộc về kế hoạch tấn công láng giềng, nhưng khẳng định không loại trừ biện pháp "kỹ thuật, quân sự" nếu Mỹ và NATO không đáp ứng các yêu cầu an ninh do nước này đưa ra.
Nga tuần trước đã tổ chức loạt cuộc đàm phán với Mỹ, NATO cũng như các thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, nhưng đều không đạt được bước đột phá nào, khiến nỗi lo bùng nổ xung đột lên cao. Giới quan sát cho rằng cuộc hội đàm giữa Blinken và Lavrov là cơ hội cuối cùng để hạ nhiệt tình hình, trước khi mọi thứ vượt tầm kiểm soát.
Phát biểu tại thủ đô Ukraine ngày 19/1, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi Moskva chọn con đường hòa bình với Kiev. Một quan chức Mỹ tiết lộ đối thoại Geneva đang được kỳ vọng mở ra "những gờ giảm tốc ngoại giao" với Nga.
Tuy nhiên, Blinken nói rõ ông sẽ không đưa ra phản hồi chính thức về 8 yêu cầu an ninh chi tiết mà Nga đã công bố, thay vào đó ông sẽ cùng Lavrov xem xét một số lĩnh vực mà hai nước có tiềm năng hợp tác để giảm căng thẳng.
Cả hai ngoại trưởng trước cuộc họp cũng khẳng định hai bên khó lòng giải quyết những khác biệt, nhấn mạnh các cuộc đối thoại nằm trong nỗ lực giảm căng thẳng và ngăn hành động quân sự nhằm vào Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khẳng định họ sẵn sàng hợp tác cùng Nga trong kiểm soát vũ khí hoặc thống nhất tăng cường minh bạch về những đợt tập trận. Theo Ngoại trưởng Blinken, có nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể "đạt được tiến bộ trên nền tảng có qua có lại, cùng cải thiện an ninh cho tất cả" nếu Washington và Moskva có đủ quyết tâm.
Trong vòng đối thoại tuần trước ở Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đề xuất khôi phục Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Cựu tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2020, cáo buộc Nga đơn phương vi phạm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đánh giá cao Washington trở lại bàn đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân, nhưng có phần không hài lòng do câu chuyện INF bị gắn với vấn đề Ukraine.
Một trong những yêu cầu tiên quyết của Nga là NATO đưa ra cam kết mang tính ràng buộc pháp lý sẽ không kết nạp Ukraine làm thành viên. Thứ trưởng Ryabkov kêu gọi NATO hủy tuyên bố năm 2008, vốn được xem là văn bản mở ra cơ hội gia nhập liên minh cho Ukraine và Gruzia.
"Chúng tôi cảm thấy bị đe dọa khi Ukraine ngày càng gắn kết với NATO dù chưa trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Đây là vấn đề trung tâm trong lợi ích an ninh của Nga", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken khẳng định yêu cầu "đóng cánh cửa gia nhập" NATO mà Nga đưa ra là "không thể chấp nhận" trong đàm phán. Ông lập luận rằng mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn riêng và "không nước nào được quyết định thay".
Washington và Moskva khó tìm ra giải pháp cho những khác biệt về NATO và tương lai Ukraine, theo cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor. Ông nhận định chính quyền Biden sẽ không nhượng bộ trong vấn đề Ukraine bất chấp áp lực từ Nga.
Theo cựu đại sứ Mỹ, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ mở ra hướng đảm bảo an ninh lâu dài cho Nga, với điều kiện Moskva không động binh. Ông cho rằng với đề xuất nối lại INF, Mỹ và NATO đã cùng thể hiện thiện chí đáp ứng một số lo ngại an ninh của Nga, nếu Tổng thống Vladimir Putin thật sự quan tâm đến vấn đề này.
Bất chấp những cam kết an ninh từ Mỹ, giới quan sát không đánh giá cao triển vọng Ukraine hay Gruzia gia nhập NATO trong tương lai gần. Rất nhiều thành viên châu Âu của NATO tỏ ra thận trọng với kịch bản khối sẽ phải điều quân bảo vệ một thành viên mới đang có mâu thuẫn gay gắt với Nga. Nếu không có sự đồng thuận của toàn bộ 30 nước, NATO không thể kết nạp thành viên mới.
Trong một tham luận gần đây, Thomas Graham, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền George W. Bush, và học giả Rajan Menon đã đề xuất một giải pháp "đạp phanh" là các bên thống nhất NATO sẽ không kết nạp Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô trong 20-25 năm tới.
Các học giả đánh giá thỏa thuận này không đơn giản và đòi hỏi các bên phải soạn thảo kỹ lưỡng, đồng thời có nguy cơ hứng chịu phản ứng quyết liệt. "Tuy nhiên, Moskva có thể chấp nhận thỏa hiệp này vì họ hiểu NATO không bao giờ chấp nhận cấm vĩnh viễn kết nạp một thành viên mới", Graham và Menon dự báo.
Theo chuyên gia Steven Pifer của Viện Brookings, mọi điều chỉnh về chính sách kết nạp thành viên NATO phải được tất cả 30 nước trong khối đồng thuận. "Thỏa hiệp 'không phải bây giờ nhưng cũng không phải không bao giờ' có thể là hướng thỏa hiệp khả thi nhất giúp tháo ngòi nổ nếu Moskva thật sự muốn giảm căng thẳng", Pifer nhận định.
Trung Nhân (Theo AFP)