Đầu năm 2014, sau khi phong trào Euromaidan trỗi dậy phế truất Viktor Yanukovich, tổng thống Ukraine có chiều hướng thân Moskva, Nga đã tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông quốc gia láng giềng. Từ đó tới nay, giao tranh dai dẳng ở miền đông Ukraine đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
Vì sao căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng?
Mặc dù có chung đường biên giới với cả Liên minh châu Âu (EU) và Nga, Ukraine, quốc gia từng thuộc Liên Xô, có mối liên hệ văn hóa, xã hội sâu sắc với Nga. Tiếng Nga được sử dụng rộng rãi tại đây. Nga lâu nay cũng coi Ukraine là một phần trong "vùng ảnh hưởng" và kịch liệt phản đối Kiev ngả về các tổ chức phương Tây, đặc biệt là NATO.
Trong một bài phát biểu năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi người dân Nga và Ukraine là "một dân tộc", đồng thời cáo buộc giới lãnh đạo Ukraine hiện nay đang điều hành "dự án chống Nga". Đây được coi là manh mối đầu tiên cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa hai nước.
Tháng 11/2021, mối lo ngại trở nên nghiêm trọng khi Mỹ và NATO cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới Ukraine với kế hoạch "xâm lược" nước này. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/1 cho biết ông tin Putin sẽ động binh với Ukraine, đồng thời cảnh báo "thảm họa" đang chờ Moskva nếu họ làm vậy.
Đáp lại bình luận của Biden, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay "những tuyên bố như vậy có thể dễ dàng gây mất ổn định tình hình". Nga cũng từng nhiều lần phủ nhận kế hoạch tiến đánh Ukraine, khẳng định mọi động thái điều quân của họ đều nhằm mục đích phòng thủ.
Tuy nhiên, không khí căng thẳng cao độ vẫn bủa vây Ukraine. Tổng thống Putin đe dọa tiến hành "những biện pháp trả đũa kỹ thuật, quân sự thích hợp" nếu phương Tây vẫn duy trì cách tiếp cận mà ông cho là gây hấn. Nga gần đây tiếp tục đưa binh sĩ và xe tăng tới Belarus để tập trận gần biên giới phía bắc Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Mỹ và Liên Xô đứng bên bờ xung đột hạt nhân. Trong khi đó, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo nguy cơ xung đột thực sự tồn tại.
Nga muốn gì ở Ukraine?
Theo bình luận viên Paul Kirby của BBC, mục tiêu thực sự của Nga đã được nêu trong bình luận của Thứ trưởng Ryabkov. "Đối với chúng tôi, mục tiêu đảm bảo Ukraine không bao giờ gia nhập NATO là điều hoàn toàn bắt buộc", Ryabkov cho biết. Nếu viễn cảnh này xảy ra, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu sẽ hiện diện ngay sát nách Nga.
Ukraine hiện là một phần trong Kế hoạch Hành động Đối tác Cá nhân (IPAP) của NATO, khuôn khổ được thành lập vào năm 2002 giúp tạo điều kiện đối thoại và hợp tác chặt chẽ giữa khối với Kiev. Nga lo ngại kế hoạch này sẽ dẫn đến viễn cảnh Ukraine trở thành thành viên lâu dài của NATO.
Moskva cáo buộc các nước thành viên NATO "bơm" vũ khí cho Ukraine, trong khi Mỹ khuấy động căng thẳng. "Những gì Mỹ đang làm tại Ukraine diễn ra ngay trước bậc thềm nhà chúng tôi. Họ nên hiểu rằng chúng tôi không còn đường lui. Phải chăng họ nghĩ chúng tôi chỉ khoanh tay ngồi nhìn thôi ư?", Putin phát biểu hôm 21/12/2021.
Bình luận viên Kirby đánh giá trên thực tế, Nga muốn NATO trở về trạng thái hiện diện như trước năm 1997. Trong 8 yêu cầu an ninh với phương Tây, Moskva đề nghị NATO không kết nạp Ukraine và mở rộng về phía đông, chấm dứt hoạt động quân sự ở Đông Âu.
Điều này đồng nghĩa NATO phải rút các đơn vị chiến đấu khỏi Ba Lan và các nước cộng hòa vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Litva, đồng thời không triển khai tên lửa ở những nước như Ba Lan và Romania. Ngoài ra, Nga còn yêu cầu Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu với lý do cảm thấy bị đe dọa.
Mặc dù Putin đã trao đổi vài lần với Biden và các cuộc hội đàm cấp cao vẫn tiếp tục, giới chức Nga cảnh báo tiến trình sẽ đi vào "ngõ cụt" nếu phương Tây từ chối 8 yêu cầu an ninh của họ. Tuy nhiên, bình luận viên Kirby cho rằng ngay cả khi mục tiêu duy nhất của Nga là buộc NATO rút khỏi sân sau, không có dấu hiệu nào cho thấy Moskva sẽ thành công.
NATO đã thẳng thừng bác bỏ mọi nỗ lực cản trở họ kết nạp thêm thành viên trong tương lai. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng cho biết họ "sẽ không cho phép bất cứ ai ngăn chặn chính sách mở cửa của NATO". Trong khi đó, Ukraine được cho là đang xem xét khung thời gian rõ ràng để gia nhập liên minh.
"Chỉ Ukraine và 30 nước đồng minh NATO mới có thể quyết định khi nào Ukraine trở thành thành viên. Nga không có quyền phủ quyết", Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố. Ngay cả những nước không thuộc NATO là Thụy Điển và Phần Lan cũng bác bỏ nỗ lực từ phía Nga nhằm ngăn họ tăng cường quan hệ với liên minh.
Nga - Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?
Vấn đề tiếp theo là Nga sẽ đi xa tới đâu nếu các yêu cầu an ninh không được Mỹ và NATO đáp ứng. Nhà Trắng từng nhấn mạnh mọi động thái diễn ra gần biên giới Ukraine đều có thể là dấu hiệu của một chiến dịch quân sự, nhưng chỉ ra rằng Nga còn có những công cụ khác như tấn công mạng và chiến thuật phi truyền thống.
Giới chức Mỹ tuần trước cáo buộc Nga đưa đặc nhiệm chuyên tác chiến đô thị và chất nổ vào Ukraine để thực hiện các hành động phá hoại nhằm vào lực lượng ly khai ở miền đông, tạo cớ tiến đánh nước láng giềng. Nga đã bác bỏ cáo buộc này. Ngoài ra, Nga còn được cho là đã cấp 500.000 hộ chiếu tại những khu vực do phe ly khai kiểm soát ở đông Ukraine để nếu không đạt được mục tiêu, họ có thể giải thích các động thái là nhằm bảo vệ công dân.
Về phía phương Tây, Mỹ đã nêu rõ rằng họ không có kế hoạch điều binh sĩ tới tham chiến, dù cam kết hỗ trợ Ukraine bảo vệ lãnh thổ. Vì vậy, công cụ chính của phương Tây ứng phó Nga dường như vẫn là các lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự cho Ukraine.
Biden cảnh báo Nga sẽ hứng chịu những biện pháp trừng phạt kinh tế "chưa từng thấy" nếu tấn công Ukraine. Một trong các "vũ khí" mạnh mẽ nhất được cho là loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Bên cạnh đó, dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga tới Đức cũng có thể bị đình chỉ, cùng những biện pháp nhắm đến Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) hoặc các ngân hàng đổi đồng ruble thành ngoại tệ.
Mỹ tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để giải quyết vấn đề về Ukraine, nhưng chia rẽ được cho là đã xuất hiện giữa châu Âu và Washington. Giới lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh Nga không thể chỉ quyết định về tương lai trên bàn đàm phán với Mỹ. Pháp thậm chí đề xuất châu Âu làm việc cùng NATO để tiến hành đối thoại riêng với Nga.
"Vấn đề không chỉ nằm giữa Mỹ và Nga. Nếu muốn trao đổi về an ninh châu Âu, người châu Âu phải có mặt trên bàn đàm phán. Chương trình nghị sự cũng không chỉ là những vấn đề mà Nga đặt ra", Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, cho biết.
Ánh Ngọc (Theo BBC)