Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến trẻ em tử vong do rơi ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng. Mới đây nhất là trường hợp bé gái bốn tuổi rơi từ cửa sổ căn hộ tầng 24 xuống sảnh và tử vong tối 19/4, ở chung cư Xuân Mai Complex, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) . Sự việc đau lòng này tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự bất cẩn của người lớn và độ an toàn của lan can, ban công, cửa sổ tại các chung cư.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp trẻ em rơi từ tầng cao của các tòa nhà chung cư. Trước đó, từng nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khiến không ít người giật mình vội gọi thợ lắp lưới chắn ban công, lô gia. Nhưng chỉ được một thời gian hay chỉ trong cộng đồng nhỏ, lẻ là "biết sợ", còn không ít trường hợp vẫn chưa có ý thức bảo vệ an toàn nhà chung cư.
Trước đó, tháng 3/2019, một bé trai năm tuổi đã tử vong do trèo lên cửa sổ phòng ngủ không có chấn song và rơi từ tầng cao của chung cư Rice City, khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tháng tư cùng năm đó, thêm một bé trai bốn tuổi tử vong sau khi trèo ra cửa sổ và rơi từ tầng 11 xuống phần mái che tầng một của tòa chung cư Vina Hud Cửu Long (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đến tháng sáu, một bé gái sáu tuổi trèo ra ban công tầng 14 của tòa nhà CT1-B2 (Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội), không may rơi xuống mái tôn tầng hai và tử vong sau đó... Cùng nhiều vụ việc tương tự trong năm 2020 và 2021.
Tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe quy định rõ phải có lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, lôgia, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi khác có người đi lại. Có những quy định chi tiết như ngay cả cửa sổ nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp, cửa sổ chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt có cữ an toàn khi mở. Vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cửa phải tuân thủ các quy định.
Hệ thống văn bản quy chuẩn của Bộ Xây dựng về thiết kế, xây dựng chung cư, nhà cao tầng, vấn đề đảm bảo an toàn khá đầy đủ nhưng thực tế thời gian qua vẫn xảy ra nhiều sự cố, tai nạn thương tâm, nhất là với trẻ nhỏ. Những quy định trong thiết kế, xây dựng ban công hay lôgia đảm bảo an toàn đã được quy định khá chi tiết. Thế nhưng, người thiết kế, người thi công công trình có thực hiện đúng hay không mới là điều quan trọng.
>> Bé trai chạy qua đường bị ôtô tông - sự vô tâm của người lớn
Hiện nay, các thiết kế kỹ thuật chung cư chủ yếu do chủ đầu tư tự lập và tự chịu trách nhiệm, các cơ quan quản lý không can thiệp sâu vào. Tuy nhiên, để có một quy định chuẩn, thuận tiện hơn cho các chủ đầu tư cũng như công tác quản lý nhà nước thì bộ Xây dựng phải có quy định sâu hơn trong thiết kế an toàn các chung cư. Quy chuẩn tiêu chuẩn hiện nay còn rất lỏng lẻo, sơ sài, chỉ mới quy định chiều cao của ban công, lôgia chứ chưa quy định cụ thể về thiết kế cửa sổ.
Trong khi đó, các chủ đầu tư vì quá coi trọng đến yếu tố thẩm mỹ nên sẵn sàng lược bớt các thiết kế bảo đảm an toàn (đặc biệt là cho trẻ nhỏ) như lưới an toàn cho cửa sổ, ban công lôgia... Lắp đặt lưới an toàn hoặc khung bảo vệ không hề tốn kém quá nhiều chi phí, nhưng nó lại có tác dụng cực kỳ to lớn với an toàn tính mạng cho trẻ. Tôi rất bất ngờ khi tới thăm nhiều nhà người thân tại các tòa chung cư, hầu như rất ít nơi có sẵn lưới an toàn cho ban công (thường do người dân tự chủ động lắp), cửa sổ lại càng không có gì che chắn. Có lẽ họ sợ xấu, sợ bí nên sẵn sàng đánh cược an nguy người mua.
Để đảm bảo an toàn, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các công trình xây dựng. Theo tôi, cần có quy định 100% các chung cư cao tầng phải thiết kế đủ lưới an toàn cho các cửa sổ, rào chắn cho ban công, đồng thời ra quan tổng kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm quy định an toàn trong thiết kế.
Mặt khác, hơn ai hết, bản thân mỗi gia đình sống ở chung cư cao tầng cũng phải cẩn trọng hơn trong việc trông nom, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, lên tiếng phản ánh những sai sót trong thiết kế chung cư mình ở để kịp thời khắc phục, xử lý (nhắc nhở, góp ý thậm chí báo chính quyền).
Đã đến lúc cả xã hội phải vào cuộc, nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này để có cách khắc phục sớm nhất. Đừng để những câu chuyện đau lòng liên quan đến trẻ nhỏ rơi từ chung cư cao tầng tiếp tục "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Nam Đỗ
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.