"Điểm thi như vậy có cao không?". Đó là câu hỏi của bạn tôi khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT của đứa cháu. Trong bảng điểm có đến bốn môn đạt 8 điểm trở lên. Nhưng tôi không trả lời ngay, vì cao hay không còn tùy thuộc vào mục tiêu của cháu.
Đêm 26/7, học sinh lớp 12 cả nước thức để xem điểm thi tốt nghiệp THPT. Tôi cũng là giáo viên dạy lớp 12 nên năm nào cũng thức cùng học sinh. Máy tính mở sẵn tất cả các trang tra cứu, sẵn sàng danh sách lớp, hoặc số báo danh học sinh, tay liên tục nhấn F5 để cập nhật điểm. Vừa điểm 0 giờ, tin nhắn điện thoại của tôi liên tục thông báo. Học trò báo điểm cho tôi, đứa muốn để chia vui, đứa thì ngược lại.
Một học trò khi vừa thi xong, đã gọi ngay cho tôi, rối rít: "Con đã làm thế này, thế này, cô chấm thử cho con xem được bao nhiêu điểm?". Em không có khiếu về ngôn ngữ cho lắm, tính lại hơi cẩu thả, nên bài làm thường không sai chỗ này cũng sót chỗ kia. Ngày đi thi, em và tôi cũng chỉ đều mong môn này cứu môn kia để đủ tốt nghiệp, chứ không dám hy vọng em đạt điểm khá, điểm giỏi. Vừa có điểm, em lại báo tôi ngay, kèm theo dòng tin nhắn: "Con không ngờ mình được cao vậy luôn cô ạ".
Một em học sinh khác, chưa bao giờ khiến tôi phải lo lắng. Em tự giác từ A đến Z, có mục tiêu rõ ràng và kế hoạch ôn thi cụ thể. Bài làm của em luôn khiến bạn cùng lớp ngỡ ngàng vì khả năng vận dụng ngôn ngữ, sự sáng tạo và niềm đam mê viết lách. Tin nhắn em gửi tôi khi biết điểm là: "Con có thể phúc khảo được không cô? Điểm không như kỳ vọng của con".
Đứa cháu của bạn tôi, tổng điểm ba môn khối A1 đạt 23.95, điểm từng môn cũng khá đều, không chênh lệch nhiều so với những bài kiểm tra trong quá trình ôn tập. Tôi chưa kịp khen, em đã tiu nghỉu: "Vẫn không đủ đậu cô ơi". Nguyện vọng một của em chọn vào Đại học Bách khoa – ĐHQG TP HCM. Ba năm cấp ba, em lo chơi nhiều hơn học, năm cuối cấp còn chẳng mấy khi thấy lôi sách vở ra bàn ngồi học một cách nghiêm túc. Đã có lúc, ba mẹ em còn lo, không biết con có tốt nghiệp nổi không?
Với một học sinh chỉ mong "chống liệt" thì 2 điểm đã là cao, trong khi một học sinh giỏi dù 9 điểm vẫn là thấp. Một học sinh không lượng sức mình, dù có đạt được điểm ở mức khá, nhưng nếu không vào được trường danh giá, thì con điểm ấy cũng chẳng đem lại cho em kỳ vọng gì.
>> Tính độ khó đề để tránh 'học tài, thi phận'
Vậy, điểm như thế nào là cao?
Ngày còn học lớp hai, cứ hễ trong tập môn Toán hoặc Tiếng Việt của tôi có điểm dưới 9, tôi sẽ bị ba mẹ la, thậm chí bị đánh. Học sinh của tôi, trong dự án nhóm, cá nhân một em nào đó dù đã cố gắng hết sức, đến mức hoàn hảo nhất có thể, nhưng chỉ vì một lỗi nhỏ, của một ai đó, khiến điểm cả nhóm bị giảm xuống, dù chỉ 0.5, cũng đủ kiến em buồn bực, khóc lóc, nặng hơn nữa là phẫn nộ.
Một học sinh khác, bài kiểm tra môn Sử của em đạt điểm 10. Một vài bạn trong lớp cũng đạt 10. Em đến gặp tôi phân bua: "Các bạn làm đúng được 10 điểm. Con không chỉ làm đúng, còn làm hay hơn, vì con phân tích thuyết phục hơn, lập luận tốt hơn, mở rộng vấn đề sâu hơn, đúng ra, con phải được điểm cao hơn các bạn chứ cô?". Tôi không chắc, em đang nói thật hay nói đùa. Nếu thật, có lẽ tôi cần kiến nghị nhà trường đặt một thang điểm 20, chẳng hạn, cho riêng em học sinh này, để em đạt được con điểm cao ngất, vỗ về tham vọng của em.
Đặt lại câu hỏi: "Điểm như thế nào là cao?". Những năm đi dạy, tôi tiếp xúc với nhiều thế hệ học sinh. Một trong những câu nói quen thuộc của tôi khi bắt đầu một bài giảng là: "Bài này rất hay nhé các con". Còn câu cửa miệng của học sinh là: "Bài này có thi không cô?". Các em chỉ chăm chăm vào việc học để thi, thậm chí cố gắng học thuộc càng nhiều càng tốt, để viết được bài văn càng dài càng hay; với một niềm tin mãnh liệt là như thế điểm số sẽ càng cao.
>> Gánh nặng những kỳ thi quyết định đời người
Điểm cao, có chắc sẽ giúp các em vận dụng hết 100% kiến thức trong các bài kiểm tra điểm 10 ấy ra ngoài thực tế không? Điểm cao, liệu sau này em học sinh có thành công thực sự không? Đôi khi điểm thấp, nhưng em vào được trường đại học có ngành học mình yêu thích. Hoặc điểm thấp, nhưng đã là sự cố gắng hết mình và kỳ tích của em trong suốt hành trình học tập.
Các kỳ thi hiện nay đang dần chuyển sang hướng đánh giá năng lực thật. Bằng tốt nghiệp các cấp cũng không xếp loại giỏi, khá, trung bình, hay yếu. Các trường đại học đã mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, ngoài phương thức truyền thống, khiến học sinh ganh đua từng dấu phẩy, từng số thập phân.
Tốt hơn hết, phụ huynh và giáo viên, nên tư vấn cho các con theo hướng giúp các em phát huy tiềm năng của mình trong môi trường phù hợp. Để từ đó, các em thật sự cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình chọn. Vì suy cho cùng, 9 hay 10 điểm cũng chỉ là một con số.
Vậy, điểm số không cao hay vì bạn đã đặt mục tiêu quá cao?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.