Đọc bài viết "Có nhà và 2 tỷ đồng nhưng tôi không lập di chúc", tôi đồng tình với quan điểm của tác giả Huy Thông. Tuy nhiên, tôi lại có một góc nhìn khác về câu chuyện có nên lập di chúc hay không? Suy nghĩ này của tôi xuất phát từ câu chuyện của một người họ hàng.
Tôi có một người chú, mới mất được hơn hai năm. Nhà chú có bốn người con, hai trai, hai gái, đều đã lập gia đình riêng. Mấy người con cũng đều có công ăn việc làm ổn định, tuy không quá giàu có những cũng đủ ăn, đủ tiêu. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, cho đến khi chú biết mình mắc bệnh nặng cách đây 5 năm. Như tâm lý chung của những người có tuổi ở cuối đời, chú vội vã viết di chúc chia tài sản thừa kế cho các con ngay từ khì còn minh mẫn.
Gia tài mà chú để lại gồm một căn nhà 40 m2 đang ở cùng con trai út và một mảnh đất trị giá khoảng hai tỷ đồng. Vì sống cùng nên chú để lại nguyên căn nhà này cho con út. Còn mảnh đất kia, chú muốn sau khi mình chế, các con sẽ bán đi lấy tiền chia làm ba phần: hai con trai mỗi người một phần (khoảng 650 triệu đồng), phần còn lại chia đôi cho hai cô con gái (mỗi người khoảng 350 triệu đồng).
Những tưởng, sớm phân chia tải sản sẽ đỡ khiến các con tranh giành, nhưng ngay khi đem chuyện này ra nói trong cuộc họp gia đình, mọi thứ bắt đầu phức tạp. Hai người con trai phản đối vì bố chia phần quá nhiều cho hai con gái với lý do "lấy chồng rồi thì nhà chồng lo". Trong khi đó, anh con trai cả và hai cô con gái cũng một mực phản đối chuyện bố để lại nguyên căn nhà đang ở cho cậu út. Anh con cả đòi được phần hơn, trong khi cậu út lấy lý do phụng dưỡng cha mẹ nên cũng không chịu kém miếng.
>> Anh em trở mặt khi bán đất thừa kế
Cứ thế lời qua tiếng lại, gia đình nhà chú cứ lục đục từ khi ấy. Dăm bữa nửa tháng, tôi lại thấy con cái chú kéo về, cãi cọ ầm ĩ, xỉa xói nhau, đòi bố phải chia lại gia tài. Trong khi đó, chú tôi bệnh ngày càng nặng, chỉ nằm bẹp một chỗ, chứng kiến cảnh gia đình lanh tanh bành trước mắt mà chẳng thể làm gì hơn. Có bữa, chú buồn bã tâm sự với tôi rằng: "biết thế không lập di chúc, không chia tài sản cho rồi. Chia xong anh em chúng nó chẳng còn coi nhau ra gì nữa".
Vậy đó, không phải cứ viết di chúc sớm, chia gia tài sớm đã là hay. Có những thứ bạn nghĩ là hợp lý nhưng không có nghĩa là con cái sẽ thấy công bằng. Ai cũng có lòng tham, chỉ là thứ cảm xúc ấy có cơ hội để trỗi dậy hay không mà thôi. Đứng trước tiền bạc, danh lợi, con người ta thường có xu hướng đánh mất kiểm soát, đánh mất chính mình, bất chấp cả tình thân. Đã có rất nhiều những câu chuyện đau lòng xảy ra liên quan đến vấn đề này: anh em đánh nhau, lôi nhau ra tòa, thậm chí sát hại nhau khi ba mẹ còn chưa nằm xuống... tất cả cũng chỉ vì hai chữ "thừa kế".
Vậy nên, lập di chúc mà không công bằng, thì chẳng thà đừng lập cho xong. Bản thân chữ "công bằng" cũng rất khó để phân định bởi nó là cảm tính của mỗi người. Nếu không thể làm được điều đó, chẳng thà đừng lập di chúc gì cả, cứ đề luật pháp phân chia sau khi bạn qua đời, như vậy khéo lại hay.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.