Có bàn tay, khối óc, con người có thể làm ra tất cả. Con cái giỏi giang có thể tự làm ra tài sản. Đừng nói ngôi nhà, ngay cả những đế chế kinh doanh lớn đều đến từ khối óc và trái tim của con người. Vậy nên để dành tài sản (nhà cửa, đất đai) cho con thừa kế hay dùng tiền đó đầu tư cho con học lấy kiến thức và tự lập nghiệp?
Ở Việt Nam, bạn mua một lô đất, nếu may mắn, cuối năm mới lãi được vài chục phần trăm, xui rủi thì chỉ còn một nửa. Nhìn dài ra hai, ba chu kỳ kinh tế, tốc độ tăng giá bất động sản phải tương đương tốc độ tăng trưởng GDP. Vì bất động sản được định giá thông qua giá trị để ở và giá trị sinh lời thông qua kinh doanh sản xuất (giá trị tích trữ tài sản không tính, vì đến cả cục sỏi quý hiếm cũng có giá trị tích trữ tài sản), nên tốc độ tăng giá dài hạn phải gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Vào chu kỳ đi lên, bất động sản có thể tăng 3-5 lần trong 5-8 năm, nhưng thời kỳ khủng hoảng, bất động sản "đóng băng" 1-3 năm có khi giảm còn một nửa giá trị. Nhìn chung, trong khoảng 9-11 năm, giá bất động sản chỉ tăng 2-2,5 lần, quanh quẩn bằng tăng trưởng GDP 6-7%. Ai cũng nghĩ mình khôn ngoan khi mua nhà đất vào lúc chu kỳ kinh tế đi lên nên nghĩ rằng bất động sản có lời lớn.
Trong khi dó, đầu tư cho con người sẽ là siêu lợi nhuận. Nếu con người giỏi thì đầu năm cầm một tỷ cũng có thể tạo ra công ty thành công công, định giá cả chục tỷ vào cuối năm. Giỏi hơn nữa, sau 3-5 năm, họ lại đào tạo ra hàng chục người giỏi như mình để tiếp tục tạo giá trị. Nên chẳng gì lời bằng đầu tư vào chất xám.
>> 'Cho con ngôi nhà trước khi nghĩ đến tủ sách'
Kiến thức hay vật chất (cùng với thời gian và sức khỏe) đều là một dạng tài nguyên của con người. Để chọn cho - nhận cái gì thì phải quy đổi nó ra cùng một đơn vị (giả sử như tiền). Kiến thức và vật chất đều có thể quy đổi qua lại với nhau như sau:
- Có kiến thức, bán lấy tiền (các khóa học, các chuyên gia nhận lương trên trời, các công ty tư vấn cải tổ doanh nghiệp). Ví dụ: các bạn đi xin việc, tức các bạn đang lấy thời gian và kiến thức (bao gồm cả kỹ năng và năng lực) của bản thân để đổi lấy dòng tiền lương mỗi tháng (lương mỗi tháng quy đổi về giá trị hiện tại theo phương pháp NPV sẽ ra tài sản hiện tại), đó chính là lấy kiến thức quy đổi ra tài sản.
- Một chủ doanh nghiệp dùng tiền của mình thuê nhân sự quản lý cơ sở, thay vì tự bản thân quản lý; tức họ lấy tiền mua thời gian của chính mình. Họ lấy thời gian (họ vừa mua) để học về định lượng học, về 7P marketing, về ứng dụng big data vào marketing, về ứng dụng xây dựng mô hình tài chính vào marketing... Một ngày, họ có thể ứng dụng big data, phân tích định lượng... vào chiến lược kinh doanh, từ đó có hệ thống đưa ra quyết định chính xác vượt trội so với đối thủ trong ngành. Thị phần doanh nghiệp tăng lên nhiều tỷ đồng, tức họ đã dùng kiến thức tạo ra nhiều tỷ doanh thu cho công ty.
Theo tôi, ai giỏi sẽ tự có hệ quy chiếu và có khả năng quy ra đơn vị rồi lựa chọn đên để danh tài sản thừa kế hay đầu tư cho con học lấy kiến thức. Chọn cái nào không quan trọng, quan trọng là đem lên bàn cân, cái nào nặng hơn, quan trọng hơn với bản thân mỗi người.
>> Theo bạn, nên để dành tài sản hay đầu tư học vấn cho con? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.