Trong 150 phút, thí sinh dự thi vào lớp Ngữ văn, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn phải làm câu nghị luận xã hội bốn điểm bàn về việc "lắng nghe người khác có phải là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?" và câu nghị luận văn học sáu điểm sử dụng nhận định của thi sĩ Xuân Quỳnh để bàn về thơ ca thông qua hình ảnh "nhan sắc", "đức hạnh" của người con gái. Nhiều người đánh giá đề thi quá sức với học sinh lớp chín với nhiều câu hỏi đánh đố:
Vẫn biết thi chuyên thì phải khó, điều này không sai, nhưng nó chỉ đúng về mặt kiến thức chuyên môn. Trong khi nội dung của câu hỏi nghị luận xã hội lại đòi hỏi một sự trưởng thành và trải nghiệm về mặt nhận thức cuộc sống của học sinh lớp chín. Điều này thì dường như chẳng liên hệ mấy với kiến thức Văn học. Đề thi này sẽ phù hợp hơn cho học cấp ba, thậm chí cho sinh viên.
Đem ý kiến của một nhà thơ (dù rất nổi tiếng) từ năm 1973 ra để yêu cầu các cháu mới 15 tuổi phân tích thì có vẻ đánh đố các cháu. Thời đấy, có khi bố mẹ các cháu còn chưa sinh ra, quan niệm đến giờ đã quá thay đổi, chưa nói là câu đó của nhà thơ Xuân Quỳnh so sánh rất khập khiễng. Nhan sắc là tự nhiên, con người sinh ra không được quyền chọn lựa còn "nhan sắc" của thơ thì hoàn toàn do tác giả áp đặt và có thể thay đổi cho phù hợp với nội dung. Nói thì dài nhưng quả thật đề này chỉ nên đặt vấn đề theo kiểu đem ra phân tích để phản biện thôi.
Cuộc sống đã hiện đại hơn, nhu cầu sống đã cao hơn, phương tiện sống cũng đầy đủ hơn, và nhận thức của con người có thể sẽ sâu sắc hơn. Cái "đẹp", "công, dung , ngôn, hạnh" cũng thoáng hơn. Nhưng với nhận thức của một học sinh THCS sẽ không thể hình tượng hết giá trị của đề Văn này mà có thể người ra đề đã vô tình gieo rắc nỗi niềm gập ghềnh, khúc khuỷu gần như một "hố đen". Chỉ thương cho người cảm nhận.
>> 'Đề Toán trường chuyên khó để chọn học sinh có tư duy'
Trong khi đó, phản biện lại quan điểm trên, nhiều ý kiến lại khẳng định độ khó của đề thi này là cần thiết để phân loại và chọn lọc những học sinh ưu tú nhất:
Thi chuyên có những câu khó hay rất khó để phân loại học sinh là bình thường. Đừng đem suy nghĩ cào bằng, trẻ giỏi cũng phải học như trẻ bình thường để phán xét. Nhân tài của thế giới như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Larry Page... khi mới 6-7 tuổi người ta đã cho học lập trình hay tìm tòi nghiên cứu về máy tính rồi. Trẻ em Âu-Mỹ chỉ 12-13 tuổi đã viết sách, viết truyện bán chạy và thành nhà văn rồi.
Lưu ý đây là thi chuyên. Nhiều phụ huynh thường chỉ trích nền giáo dục nhưng có tư duy rất buồn cười.
- Muốn đề dễ để con mình dễ đỗ đạt.
- Nhưng đề dễ lại không thể phân loại học sinh cũng như hạn chế phát triển tư duy.
Điều này dẫn đến việc thầy cô giáo dạy thật, chấm thật thì sẽ có rất ít học sinh giỏi, phụ huynh sẽ phàn nàn đề khó, yêu cầu hạ đề. Hạ đề thì ai cũng giỏi, phụ huynh lại bảo là thầy cô bị bệnh thành tích, không thực chất.
Nói tóm lại, đây là thi chuyên, nên đề này không có gì quá sức. Em nào không đạt thì học trường khác, có gì đâu mà phải lăn tăn?
Đề thi chuyên là phải vậy. Không lẽ dễ như đề thi học kỳ hay đề thi đại học thông thường? Đức hạnh ở tuổi 15, 16 rất khác với tuổi 30. Để các em tự cảm nhận, tự thể hiện cũng là một yếu tố mở.
>> Bạn đánh giá thế nào về đề thi chuyên Văn trường KHXH&NV? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.