Chứng kiến hình ảnh người dân chen chân ở chùa Tam Chúc, Hà Nam tôi tự hỏi tại sao lại đến mức vậy? Phải chăng với lối sống và tư duy tín ngưỡng, vẫn có nhiều người tìm đến các đền chùa tâm linh như một giải pháp cứu lấy tâm mình thay vì tập trung vào công việc và cuộc sống thực tế?
Còn nhớ, cũng tầm này một năm về trước, một cô gái 26 tuổi từ Anh về nước đã khiến cả tuyến phố Trúc Bạch dài 500 m bị phong tỏa, rồi cả thủ đô mất ngủ, cả nước nín thở, khiến cả hệ thống chính trị Hà Nội phải bật dậy trong đêm. Kéo theo đó là bao nhiêu gia đình phải tích trữ lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dẫn đến hình thái thị trường bị lũng đoạn khủng hoảng trong dịch.
Tới hôm nay (15/3/2021), cả nước ghi nhận 2.554 ca nhiễm, trong đó có 2.086 ca đã khỏi, 35 ca tử vong và 429 ca đang điều trị. Ổ dịch Hải Dương mới chỉ vừa tạm khống chế được dịch bệnh, kéo theo hệ lụy là nền kinh tế đang phát triển cũng phải chững lại, nhường chỗ cho việc phòng chống Covid-19.
Thậm chí, một trường hợp cách ly ở Hải Dương, sau tám lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, khi vừa về Đông Triều, Quảng Ninh cách ly tại nhà thì lại được thông báo dương tính với Covid. Điều này cho thấy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao, kể cả những người đã cách ly, xét nghiệm cho kết quả âm tính cũng chưa phải an toàn.
Một điểm đáng chủ ý nữa mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các chuyên gia y tế đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là biến thể nCoV lần này lây lan nhanh và chu kỳ ngắn hơn rất nhiều so với thời điểm một năm trước. Vaccine cũng mới chỉ tiêm được một phần rất nhỏ cho người dân.
>> 'Đổ xô mua khẩu trang, chen chân đi lễ hội'
Vậy mà, chỉ hôm qua, khi một số địa phương bắt đầu cho phép các cơ sở tôn giáo, điểm di tích, tâm linh mở cửa hoạt động trở lại, nhiều người đã quên khuấy luôn rằng đang có một quả bom dịch bệnh vẫn treo lơ lửng trên đầu. Họ kéo tới các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là chùa Tam Chúc (Hà Nam) để xì xụp khấn vái, người sau vái người trước cầu tài, cầu lộc, cầu an và cầu nhiều thứ khác, chen chúc lên thuyền... ai cũng nghĩ rằng "con virus sẽ chừa mình ra" vì đã đeo khẩu trang, đã thành tâm lễ bái...
Nếu chẳng may ở giữa rừng người đó, có một ca dương tính với Covid-19 thì ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm? Hơn nữa, khi ấy, công sức phòng chống dịch của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng cũng như sự hy sinh của các y bác sĩ, bộ đội, công an... sẽ trở thành muối bỏ bể.
Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng là quyền của công dân, được quy định trong Hiến pháp và Pháp luật. Mọi người, ai thờ cúng, lễ bái ở đâu, thế nào, pháp luật không cấm. Nhưng niềm tin tới mức mù quáng, bất chấp dịch bệnh, chen chúc cúng bái khi nhà nước yêu cầu đảm bảo 5K, thì chắc chẳng phật nào phù hộ được?
"Phật tại tâm - tu tại gia", muốn tâm bình an thì mỗi người phải tự điều chỉnh hành vi của mình trong thời đại "bình thương mới". Thay vì chen chúc, giành giật tại những nơi đông đúc, hãy mang tâm thế bình an khi đi chùa dâng hương lễ Phật.
Nên chăng, Chính phủ cần xem xét lại việc yêu cầu các địa phương khi tổ chức mở cửa các lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phải vừa đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch. Ví dụ như hạn chế số lượng người ra vào cơ sở lễ hội trong một ngày, thực hiện đầy đủ khai báo y tế, thực hiện xếp hàng giãn cách... và lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ và nhân dân cả nước nếu để địa phương mình bùng phát dịch.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.